Điều chỉnh truyền thống để thích ứng
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư nói: “Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Xin ông cho biết các giá trị cốt lõi này có giá trị ngang nhau, và có phải là thứ tự về mức độ quan trọng hay không?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn: Tôi nghĩ có thể chia những giá trị này thành 2 nhóm. Gia đình ấm no và hạnh phúc mang đến một môi trường ổn định, tin cậy và an toàn cho các thành viên, giúp mọi người yên tâm, tự tin và có thể tập trung vào sự phát triển của bản thân cũng như hỗ trợ nhau. Trong khi đó, gia đình tiến bộ và văn minh giúp xây dựng các giá trị, quy tắc và tư tưởng tích cực trong xã hội. Điều này vừa giúp duy trì truyền thống, đồng thời điều chỉnh truyền thống về gia đình thích ứng với thay đổi của thời đại.
Tôi nghĩ, đó cũng là lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến những giá trị định hướng này tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Tôi cho rằng 4 giá trị này có mối quan hệ biện chứng với nhau và nên được coi là quan trọng, tương đồng nhau. Mỗi giá trị có vai trò riêng trong việc định hình và xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Ông vừa nói đến câu chuyện vừa duy trì truyền thống, vừa điều chỉnh truyền thống trong gia đình để thích ứng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Chúng ta đang chứng kiến ảnh hưởng của sự “sụp đổ” dần dần nhiều kiểu mẫu gia đình truyền thống. Chẳng hạn, việc phải “có nếp, có tẻ” từng là một tiêu chuẩn quan trọng cho gia đình mẫu mực giờ đã không còn ảnh hưởng như trước. Trọng nam, khinh nữ đã dẫn đến việc cố tình chọn sinh bằng được con trai thì giờ cũng dẫn đến việc mất cân bằng giới tính vì thiếu nữ giới. Càng ngày càng nhiều người thấy “kiểu mẫu gia đình nếp, tẻ” là một kiểu mẫu độc hại.
Một quan niệm khác là người chồng phải kiếm nhiều tiền hơn vợ cũng đang dần thay đổi.
Chúng ta nên can thiệp bằng chính sách để những hình mẫu gia đình truyền thống đó mau “sụp đổ” hơn không, thưa ông?
Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ nhận thức rằng nếu chúng ta chấp nhận, ủng hộ quan điểm nam nữ bình quyền ở ngoài xã hội thì tư tưởng trọng nam, khinh nữ cũng phải loại bỏ ra khỏi đời sống gia đình.
Chúng ta cũng đang thấy nhiều người trẻ lựa chọn việc không lập gia đình mà vẫn sống thảnh thơi, vui vẻ. Điều này có trái với giá trị hệ gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” mà Tổng Bí thư đã nêu hay không, thưa ông?
Tôi thấy nhiều bạn trẻ không lập gia đình, có người không lập gia đình và đơn thân nuôi con. Đó là lựa chọn cá nhân và họ tự chịu trách nhiệm về cách sống ấy. Nhưng đúng là, xét trên bình diện tổng thể xã hội, quốc gia, chúng ta vẫn cần có những gia đình đầy đủ, thể hiện tất cả những thông điệp về ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Đó cũng nên được xem là định hướng chung cho tất cả mọi người.
Tôn trọng sự đa dạng quan điểm và quyền tự do cá nhân
Càng ngày các yêu cầu về mở rộng hành lang luật pháp về vấn đề gia đình càng rộng hơn. Chẳng hạn, được kết hôn cũng là vấn đề đang được những người LGBT mong mỏi. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Những yêu cầu đó liên quan không chỉ đến pháp luật mà còn là vấn đề đạo đức, không chỉ hiện tại mà còn tương lai, không chỉ là chuyện của một nhóm nhỏ mà là câu chuyện tổng thể quản trị xã hội nói chung. Sức ép này không chỉ ở VN mà ở nhiều nước trên thế giới, cũng phản ánh quyền lợi và sự đa dạng của các cộng đồng.
Mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề xuất luật Bản dạng giới liên quan đến quyền chuyển giới của công dân, thì điều đó cũng liên quan đến gia đình. Luật pháp tạo ra hành lang bảo vệ người chuyển giới càng cụ thể, càng tiến bộ càng giúp họ sống thoải mái hơn, giúp họ đỡ bị kỳ thị, giảm sức ép tâm lý (nếu có) lên gia đình họ.
Đối mặt với sức ép mở rộng hành lang pháp lý cho gia đình là một thách thức đối với các cơ quan lập pháp, vì sự đa dạng quan điểm và giá trị trong xã hội. Trong quá trình thảo luận, quan trọng là tôn trọng sự đa dạng quan điểm và quyền tự do cá nhân, đồng thời đảm bảo sự bình đẳng và bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người, không phân biệt về giới tính, xu hướng tình dục, tôn giáo hay nguồn gốc xuất thân khác.
Quản lý văn hóa có 2 lĩnh vực là nếp sống và gia đình. Nhưng cả hai lĩnh vực này đều đang đối diện với những mâu thuẫn thế hệ, thậm chí xung đột gay gắt dễ dẫn đến tan vỡ gia đình. Theo ông, ngành văn hóa có thể làm gì, nên kết hợp thế nào để có thể có văn hóa ứng xử nhân văn trong chính gia đình, xóa mờ mâu thuẫn thế hệ?
Ngành văn hóa có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để tạo ra các chương trình giáo dục và tư vấn dành cho gia đình như các khóa học về quản lý xung đột, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng giải quyết vấn đề trong gia đình. Ngành cũng có thể hỗ trợ cho các hoạt động gia đình nhằm thúc đẩy sự gắn kết và tương tác giữa các thế hệ như hoạt động thể thao, nghệ thuật, trò chơi gia đình để họ cùng tham gia và tìm hiểu về nhau.
Ngành cũng có thể chủ động tạo ra những “hình mẫu gia đình” cho thời kỳ này qua các tác phẩm nghệ thuật. Dễ thấy, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu trên truyền hình cũng như “tấm gương” để các mẹ chồng hà khắc soi lại bản thân, chỉnh lại hành vi ứng xử.
Dù vậy, tôi vẫn nghĩ, xây dựng nếp sống và gia đình cần phải trở thành nỗ lực chung của toàn xã hội. Chẳng hạn, bên cạnh thiết chế văn hóa thì các thiết chế chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ em cũng giúp gia đình giảm bớt áp lực để dễ hạnh phúc hơn. Ngành văn hóa phải đóng vai trò trung tâm kết nối, đưa ra những sáng kiến cụ thể vì gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Xin cảm ơn ông!