Là quốc gia đa dân tộc, Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (hơn 14 triệu người, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước). Quy mô dân số của các dân tộc không đồng đều, có 6 dân tộc trên 1 triệu người, 14 dân tộc dưới 10.000 người, 5 dân tộc dưới 1.000 người.
Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sống tại miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tập trung ở 463 huyện thuộc 51 tỉnh tại Đông và Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII nêu rõ mục tiêu bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển, đồng thời chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng và Nhà nước ta thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc theo hướng: Về chính trị, việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng. Quốc hội khóa XV có 17,84% tổng số đại biểu là người dân tộc thiểu số, cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu. Như vậy trong 54 dân tộc, hiện chỉ còn hai dân tộc là Ơ Đu và Ngái là chưa có đại diện tham gia Quốc hội.
Về kinh tế, Nhà nước tăng cường ưu tiên các nguồn lực để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 được đầu tư 626.229 tỷ đồng từ ngân sách.
Về văn hóa – xã hội, Nhà nước có chính sách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số, bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Về quyền tiếp cận giáo dục, Nhà nước ta ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Người dân khu phố 2, phường An Bình, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) chơi trò bịt mắt đập heo đất tại ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: THU OANH
Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc. Tuy nhiên, một thực tế khách quan là do các yếu tố lịch sử, địa lí, nhận thức mà trình độ phát triển kinh tế – xã hội của các dân tộc ở nước ta chưa đồng đều.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố cho biết khu vực trung du và miền núi phía Bắc có số hộ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, chiếm 21,92% với 701.461 hộ; khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 10,04% với 571.251 hộ; Tây Nguyên 15,39% với 236.766 hộ; trong khi con số này tại khu vực Đông Nam bộ 0,34% với 15.787 hộ; đồng bằng sông Hồng 2,45% với 169.566 hộ; đồng bằng sông Cửu Long 5,73% với 277.936 hộ.
Để thu hẹp, tiến tới xóa nhòa khoảng cách giàu, nghèo, trình độ phát triển giữa các dân tộc và các vùng, miền, Việt Nam cần nhiều thời gian cùng với những chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của bản thân đồng bào dân tộc thiểu số. Song các thế lực thù địch ra sức lợi dụng sự chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng, miền, về trình độ sản xuất, kinh doanh giữa các dân tộc để chống phá, gây chia rẽ, hận thù. Chúng phủ nhận toàn bộ thành tựu giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong nhiều chục năm qua ở nước ta.
Nhà nước ta từng thực hiện chính sách vận động di dân có kế hoạch sau năm 1954 và năm 1975 từ vùng đồng bằng lên khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên để xây dựng vùng kinh tế mới. Tiếp đó là hiện tượng di dân ngoài kế hoạch của đồng bào các dân tộc từ miền núi phía Bắc bộ, Trung bộ vào các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 1980-1990. Việc di dân này làm thay đổi sự phân bố dân cư, cơ cấu dân số và làm gia tăng mật độ dân số. Kinh tế phát triển, song lại nảy sinh vấn đề đất đai, rừng và các nguồn tài nguyên khác bị chia sẻ, môi trường thiên nhiên bị ảnh hưởng.
Lợi dụng những mặt phát sinh từ việc di dân, các thế lực thù địch cố tình phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc ở Việt Nam, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đòi để một số dân tộc thiểu số lập ra “vương quốc” riêng mà không dựa trên bất cứ cơ sở lịch sử – địa chính trị nào. Chúng đòi xét lại lịch sử, thậm chí là bóp méo lịch sử để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vì vậy, cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giúp đồng bào các dân tộc hiểu rõ và cùng thực thi chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không mơ hồ nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động; đồng thời kiên quyết đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vụ việc xảy ra tại xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vừa qua là ví dụ đau lòng, các đối tượng dùng súng tấn công trụ sở ủy ban nhân dân hai xã, làm 9 người tử vong, 2 người bị thương. Các lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, truy bắt các đối tượng phạm tội, ổn định đời sống nhân dân.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng xử lý hơn 100 trường hợp đăng tải thông tin xấu, độc liên quan đến vụ việc. Các đối tượng vi phạm chủ yếu với mục đích câu like, đã chia sẻ lại thông tin chưa được kiểm chứng từ các trang Facebook, TikTok… của các cá nhân. Họ không ý thức được hậu quả của việc lan truyền những thông tin không đúng sự thật trên các trang mạng xã hội. Khi được giải thích, các trường hợp này đều đã nhận ra hành vi sai phạm, tự gỡ bỏ bài đăng và cam kết không tái phạm.
Để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi vào hiện thực cuộc sống, đồng bào dân tộc chính là chủ thể thực thi và đối tượng thụ hưởng. Khơi dậy và phát huy tinh thần đại đoàn kết, lấy chủ nghĩa yêu nước là hạt nhân, chính là động lực để triển khai hiệu quả chính sách tốt đẹp đó để cộng đồng các dân tộc Việt Nam ngày càng đoàn kết, gắn bó, không thể tách rời.
Theo tạp chí Tuyên giáo của Ban Tuyên giáo Trung ương