Theo cảnh báo từ báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới, châu Âu nên chuẩn bị tinh thần để đối phó với những đợt nắng nóng chết người bởi biến đổi khí hậu gây ra.
Ảnh: Climate Centre
Một báo cáo mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới đã xác nhận rằng châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ năm 1980, với những tác động lớn về kinh tế và môi trường của con người.
Theo Báo cáo Tình trạng Khí hậu ở châu Âu, nhiệt độ trung bình ở châu Âu vào năm 2022 cao hơn 2,3oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhiều nước như Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha đã trải qua mùa hè nắng nóng chưa từng thấy.
Mực nước trên các con sông thấp kỷ lục. Hạn hán làm cây trồng khô héo, trong khi các đám cháy rừng bùng phát dữ dội.
Nhiệt độ bề mặt nước biển trên khắp châu Âu cũng đạt mức cao mới, kèm theo các đợt nắng nóng trên biển.
Sông băng tan chảy là chưa từng có. Nhiệt độ trung bình hàng năm trong năm 2022 của châu Âu nằm trong khoảng từ mức cao thứ hai đến mức cao thứ tư được ghi nhận, với mức chênh lệch khoảng 0,79oC so với mức trung bình của giai đoạn 1991-2020.
Báo cáo chỉ ra, những đợt nắng nóng kỷ lục đã xảy ra ở châu Âu vào năm 2022 cùng bão lũ, sóng nhiệt và các mối nguy hiểm khác liên quan đến khí hậu đã gián tiếp dẫn đến hơn 16.000 ca tử vong trên khắp lục địa và gây thiệt hại 2 tỉ USD.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, năm 2022 đã chứng kiến lần đầu tiên năng lượng tái tạo tạo ra nhiều điện năng hơn so với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm và đây một dấu hiệu của hy vọng cho tương lai.
Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cảnh báo, xu hướng tiêu cực của nhiệt độ cao sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ, trong khi băng tan và mực nước biển dâng sẽ không dừng lại trong nhiều năm nữa.
Ông Taalas cho rằng những nỗ lực hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5oC vào năm 2050 là rất tham vọng. Điều rất quan trọng là các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi phải tăng cường nỗ lực hơn nữa.
Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo, xu hướng nhiệt độ tăng cao sẽ còn tiếp tục và những hình thái thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với tần suất dày hơn.
Theo dự báo nhiệt độ nước biển tại một số khu vực ở Anh và Ireland có thể tăng lên đến 4oC, là đợt sóng nhiệt nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo đó, các nhà khí tượng học cảnh báo nhiệt độ nước biển tại một số khu vực ở 2 quốc gia này đang cao hơn mức bình thường đến 4oC.
Trong 3 tháng qua, nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng Bắc Đại Tây Dương được ghi nhận ở mức cao kỷ lục. Nhiệt độ trung bình ghi nhận hôm 17-6 là 23oC, cao hơn 0,2oC so với mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận vào năm 2010.
Theo Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, vùng nhiệt đang tập trung ở vùng nước bao quanh Anh và Ireland với xếp hạng sóng nhiệt ở mức 4 (rất cao).
Nhà nghiên cứu Rodney Forster tại Đại học Hull (Anh) cho biết nước biển ngoài khơi phía Đông nước Anh và phía Tây Ireland hiện giờ đang cực ấm.
Bờ biển Durham, ngoài khơi thị trấn Seaham (Anh) ngày 18-6 ghi nhận nhiệt độ nước biển đạt 15oC, cao hơn mức 12oC trung bình năm. Một số bờ biển nước Anh hiện đang ghi nhận nhiệt độ nước đạt gần 20oC.
Nhiệt độ nước biển cao có thể giết chết các loài cá và các loài sinh vật biển khác, cũng là một trong những tác nhân hình thành những cơn bão mạnh hơn.
Một báo cáo năm 2023 của Cơ quan Môi trường Anh cảnh báo việc nước biển thường xuyên ấm lên sẽ làm các loài sò tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Vibrio – vi khuẩn này có thể gây bệnh cho con người.
Có nhiều nguyên nhân khiến nước biển Bắc Đại Tây Dương ấm lên. Năm nay, gió yếu hơn có thể đã hạn chế lượng bụi từ sa mạc Sahara thổi đến khu vực này. Bụi sa mạc có tác dụng làm nhiệt độ nước biển mát hơn.
NGUYỄN TẤN tổng hợp