08:31, 25/06/2023
Nghị định 30 về hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đường bộ vừa được Chính phủ ban hành với nhiều nội dung mới, vừa “siết” vừa “mở”, bảo đảm cân bằng cung – cầu, góp phần giải quyết những “điểm nghẽn” tồn tại từ nhiều năm nay trong hoạt động này trên phạm vi cả nước.
Từ cuối năm 2022 đến 3 tháng đầu năm 2023, hàng loạt vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước, gây ra những hệ lụy rất lớn. Hàng trăm cán bộ lãnh đạo, đăng kiểm viên bị khởi tố, hơn 100 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) phải tạm dừng hoạt động, dẫn tới tình trạng quá tải, ùn ứ tại các trung tâm. Người dân và doanh nghiệp phải ngược xuôi tìm nơi đăng kiểm cho phương tiện, tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian chờ đợi, đi lại, ảnh hưởng đến công việc, hoạt động kinh doanh rất lớn.
Ngày 8/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Nghị định ra đời được xem là một trong những giải pháp cải cách hoạt động của hệ thống đăng kiểm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới.
Nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 47-04D kiểm định phương tiện. |
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Nghị định số 30 được ban hành với mục đích vừa siết chặt một số quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định, nhưng đồng thời cũng điều chỉnh một số quy định để huy động tối đa nguồn lực phục vụ kiểm định xe cơ giới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, Nghị định số 30 có nhiều quy định mới theo hướng mở cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải, đơn vị đăng kiểm của công an, quân đội có thể tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định; lực lượng công an, quân đội được tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách; điều chỉnh số lượng nhân sự tối thiểu trong dây chuyền nhằm giảm nguy cơ dừng hoạt động, đồng thời khuyến khích các đơn vị đăng kiểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; điều chỉnh giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô; bãi bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày nhằm phát huy tối đa sự chủ động, linh hoạt của các đơn vị đăng kiểm.
Bên cạnh những điểm “mở”, Nghị định số 30 cũng có nhiều điểm “siết chặt” như tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe; tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm…
Với những quy định này, người dân, doanh nghiệp kỳ vọng và tin tưởng, hoạt động đăng kiểm sẽ được cân bằng cung – cầu, vấn đề mà lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, dẫn tới những tiêu cực, buộc phải tạm dừng hoạt động hàng loạt trung tâm trên phạm vi cả nước trong thời gian gần đây.
Dán Tem kiểm định cho phương tiện. |
Chẳng hạn như tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 1,7 triệu phương tiện, trong đó ô tô khoảng 89.000 chiếc, với 6 TTĐK hoạt động theo hình thức xã hội hóa, trung bình mỗi năm các trung tâm kiểm định được trên 100.000 lượt phương tiện. So với các địa phương lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… thì với số lượng ô tô hiện có và số TTĐK đang hoạt động, tỉnh Đắk Lắk cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu kiểm định của chủ phương tiện, bảo đảm hài hòa giữa cung và cầu trong hoạt động này. Tuy nhiên, trường hợp có những bất thường xảy ra, đơn cử như việc TTĐK 47-06D bị tạm dừng hoạt động vào tháng 2 vừa qua, hay như một số trung tâm do thiếu đăng kiểm viên nên chỉ hoạt động được một dây chuyền dẫn tới tình trạng quá tải, ùn ứ tại các trung tâm còn lại. Có những thời điểm, chủ xe phải mất khoảng 3 ngày mới kiểm định được phương tiện của mình. Điều này không những gây nên tình trạng mệt mỏi do phải chờ đợi mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ xe, đồng thời cũng dẫn tới rất nhiều áp lực cho cán bộ, nhân viên ở các TTĐK. Hiện nay, sau các thông tư mới do Bộ Giao thông vận tải ban hành và Nghị định số 30 của Chính phủ, các TTĐK trên địa bàn tỉnh đã thông thoáng hơn nhiều, không còn tình trạng xếp hàng dài, chen lấn chờ đến lượt kiểm định.
Thực tế cho thấy, sau khi các thông tư về hoạt động đăng kiểm như Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 22/3/2023; Thông tư số 08/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 3/6/2023 và mới đây nhất là Nghị định số 30 ra đời đã khẳng định được tinh thần tiếp thu chủ động của ngành giao thông vận tải trong việc ban hành các thông tư và tham mưu Chính phủ ban hành quy định phù hợp với thực tiễn hoạt động đăng kiểm. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện “siết” – “mở”, Chính phủ, bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động đăng kiểm đi đúng quỹ đạo, bảo đảm quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm của các TTĐK và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân khi đi kiểm định phương tiện.
Hoàng Tuyết