Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vừa qua, nữ thủ khoa đầu vào lớp chuyên Văn, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh thu hút sự chú ý với bài thi môn Văn dài 21 trang giấy. Câu chuyện trở thành chủ đề bàn cãi trên mạng xã hội.
Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, ngưỡng mộ nữ sinh này thì không ít người bày tỏ quan điểm trái chiều. Một số người còn thắc mắc “không hiểu học sinh học được điều gì ở những bài văn viết dài thành lan man, văn chương không thực tế mà cứ chia sẻ để làm văn mẫu. Viết dài chắc gì đã là viết hay”.
Cô Đặng Thị Thúy, giáo viên Ngữ văn trường Phổ thông liên cấp Đa Trí Tuệ (Hà Nội) cho rằng, việc cho điểm một bài văn không chỉ dựa trên độ dài ngắn mà là chất lượng bài làm.
“Học sinh thực sự có năng lực, nắm chắc kiến thức, vốn hiểu biết sâu rộng, khả năng trình bày trôi chảy và tốc độ viết nhanh mới có thể viết được 21 trang trong vòng 180 phút. Nếu các em chép mẫu, học vẹt thì không bao giờ có thể đạt được số điểm cao như thế”, cô Thúy nói.
Nữ giáo viên tin rằng học sinh trong câu chuyện trên đã viết bằng tư duy, cảm đề bằng cả tâm trí, đưa dẫn chứng đầy đủ và lập luận thuyết phục.
Tuy nhiên, cô Thúy lưu ý, thực tế nhiều học sinh viết dài lại thành viết dai, lan man, không rõ ý. Có bài văn rất dài nhưng cô đọc không tìm thấy luận điểm, luận ý để chấm. Ngược lại, có em viết ngắn gọn, súc tích nhưng liên kết mạch lạc, đủ ý nên vẫn đáp ứng yêu cầu đề bài và đạt điểm cao.
Một giáo viên Ngữ văn tại một trường cấp 3 ở Hà Tĩnh cảm thấy xót xa khi học sinh còn ít tuổi đã phải chịu tổn thương vì những lời lẽ công kích trên mạng xã hội.
Dung lượng bài văn dài hay ngắn không phải là yếu tố quyết định điểm số. Không phải cứ bài dài là điểm cao, cũng không có chuyện giáo viên đo gang để chấm điểm. Với nhà giáo, lòng tự trọng nghề luôn được đặt lên trên hết.
Theo cô, học sinh thăng hoa cảm xúc sẽ viết rất bay bổng, có khi thấy chữ đè bút, các ý cứ thế tuôn ra. Nếu không có kiến thức và cảm xúc, muốn viết dài cũng khó. Để đạt được điểm cao, bài làm phải giải quyết được yêu cầu đề đưa ra, đồng thời có thêm những sáng tạo, thể hiện phong cách cá nhân của người viết. Việc đánh giá chất lượng bài văn chỉ thông qua độ dài hay ngắn chắc chỉ có trên mạng thôi.
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Nguyễn Mộng Tuyền nêu quan điểm: “Có câu: Văn hay bất luận ngắn dài. Cùng một ý tứ, người viết có thể triển khai thành văn bản ngắn chỉ một câu hoặc văn bản dài với hàng ngàn câu, đều hợp lý. Ngôn ngữ là địa hạt của tư duy, mà tư duy và tâm trí con người thì không hạn định”.
Đề thi Ngữ văn lớp 10 không yêu cầu giới hạn câu chữ, thế nên, dung lượng ngắn hay dài là do người viết tự đặt ra. Cô Tuyền kể, thời cô đi thi học sinh giỏi Văn có thể viết 28 trang giấy thi trong vòng 180 phút. Để làm được điều đó, người học phải biết cách tổng hợp kiến thức từ nhiều nguồn, linh hoạt sử dụng các thao tác lập luận, đồng thời phải có tâm huyết và tâm trạng để trình bày bài viết.
“Tôi cho rằng bắt đầu từ thời điểm này chúng ta nên cởi mở hơn để đón nhận những bài văn với cách viết, độ dài ngắn, ý tứ… khác nhau, thay vì bàn tán xôn xao theo hướng tiêu cực”, cô nhắn nhủ.
Bạn nghĩ thế nào về bài Văn dài 21 trang? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
THI THI
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo