Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) huy động nguồn lực để mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao chỉ đạo VEC huy động nguồn lực để nhanh chóng triển khai mở rộng tuyến cao tốc này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa các dự án vào khai thác, hướng dẫn nguồn chi phí thanh toán cho nhà thầu nước ngoài do dừng chờ tại dự án Bến Lức – Long Thành; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong công tác công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Bến Lức – Long Thành là 2 dự án trọng điểm phía nam, kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe.
Hiện tại, giai đoạn 1 của dự án với quy mô 4 làn xe đã được VEC đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến liên tục tăng cao (trung bình khoảng 10,45%/năm). Theo tính toán, phạm vi cao tốc từ TPHCM (nút giao An Phú) đến Long Thành (nút giao với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) dài khoảng 26 km đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải. Tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.
Hồi tháng 10.2022, VEC đề xuất tự bố trí 14.700 tỉ đồng mở rộng tuyến cao tốc này lên 8 – 10 làn xe. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 14.780 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), thực hiện từ quý 4/2022 đến quý 1/2026.
Trong khi đó, cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Một đầu nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đầu còn lại nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Công trình khởi công năm 2014, dự kiến thông xe những km đầu tiên vào 2018 nhưng đến 2019 phải dừng thi công do trong quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn. Ngày 11.5 vừa qua, VEC đã tổ chức lễ động thổ các gói thầu xây lắp A6-1, A6-2, A6-3, A6-5. Đây là 4 trong 5 gói thầu xây lắp được tổ chức lại từ phần thi công dở dang của gói thầu A6 (đoạn phía đông).