Môi trường lãi suất cao, việc tiếp cận tín dụng khó khăn, biến động thị trường… là những yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp “ngấm đòn” lãi suất cao
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp gia nhập thị trường (gồm số thành lập mới và quay lại hoạt động) là 95.000; trung bình mỗi tháng khoảng 19.000; giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong cùng thời gian là 88.000, trung bình mỗi tháng 17.600 doanh nghiệp; tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC) |
Nhận định về kết quả trên với phóng viên TG&VN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, số rút khỏi thị trường gần bằng 93% số gia nhập thị trường – tỷ lệ cao chưa từng có.
Cùng với đó, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm tháng đầu năm 2023 là 1393,7 nghìn tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập trong 5 tháng đầu năm đạt 568,7 nghìn tỷ đồng, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Việt nhấn mạnh: “Điều này phần nào chứng tỏ nhu cầu vốn của khu vực doanh nghiệp đang xuống rất thấp; mặc dù ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành.
Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân”.
Bên cạnh đó, một phần của tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất tiền USD đang cao, trong khi lãi suất tiền USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.
Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn về tiếp cận tín dụng, biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh, tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm nhà cung cấp.
Quảng bá hàng Việt ở hội chợ thường niên lớn nhất tại Algeria. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Algeria) |
“Hóa giải” khó khăn
TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, doanh nghiệp phát triển là yếu tố quyết định đến tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế. Vì vậy, cần vào cuộc để “hóa giải” khó khăn, thách thức, để doanh nghiệp ổn định và phát triển.
TS. Nguyễn Quốc Việt và nhóm chuyên gia của VEPR cho hay, trong ngắn hạn, cần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; quan tâm giải quyết các khó khăn tài chính; tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Song song với đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết thủ tục hành chính triệt để trên môi trường mạng; Nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, có giải pháp kiểm tra quá trình triển khai thực hiện, quan tâm nâng cao hiệu quả thực thi của các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.
Tất cả những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện ngay, không chỉ dừng lại ở ‘hô khẩu hiệu’. Khi các chính sách của Chính phủ được thực hiện kịp thời, ổn định, thủ tục hành chính gọn nhẹ, đơn giản, doanh nghiệp sẽ phục hồi và phát triển, từ đó, kéo theo đà phát triển của cả nền kinh tế. |
Về trung và dài hạn, theo các chuyên gia của VEPR, song song thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tín dụng, các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cần được xây dựng ngay từ bây giờ.
Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan hiệp định thương mại tự do (FTA), khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ.
Thứ hai, cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính có liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải và xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với nông thuỷ sản để tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; nghiên cứu tận dụng làn sóng dịch chuyển với cổ phần hóa, đầu tư theo hình thức mua bán và sáp nhập (M&A).
Thứ tư, cần xác định phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tạo cơ chế thúc đẩy thương mại điện tử (sàn giao dịch điện tử, vận tải công nghệ, chợ đầu mối trực tuyến….).
Thứ năm, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn/định hướng ứng dụng công nghệ/số hoá quy trình quản trị doanh nghiệp…).
Thứ sáu, cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định: “Tất cả những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện ngay, không chỉ dừng lại ở ‘hô khẩu hiệu’. Khi các chính sách của Chính phủ được thực hiện kịp thời, ổn định, thủ tục hành chính gọn nhẹ, đơn giản, doanh nghiệp sẽ phục hồi và phát triển, từ đó, kéo theo đà phát triển của cả nền kinh tế”.