Islamabad cho rằng Washington không nên đưa ra các tuyên bố thiếu căn cứ về tình hình người Hồi giáo tại Kashmir, gây ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Pakistan.
Pakistan phản đối tuyên bố chung Mỹ-Ấn Độ được lãnh đạo hai nước nhất trí tại Washington D.C. ngày 23/6. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu Phó Đại sứ Mỹ Andrew Schofer để chỉ trích một phần nội dung tuyên bố chung hồi tuần trước của lãnh đạo Mỹ-Ấn, trong đó kêu gọi đất nước Nam Á không để lãnh thổ bị phiến quân Hồi giáo sử dụng làm căn cứ, đặc biệt là tại khu vực Kashmir.
Cho rằng Washington không nên đưa ra những nhận định thiếu căn cứ liên quan đến tình hình về người Hồi giáo tại Kashmir, tuyên bố của Islamabad cũng nêu rõ: “Hợp tác chống khủng bố giữa Pakistan và Mỹ đang tiến triển tốt và một môi trường thuận lợi, tập trung vào lòng tin và sự hiểu biết, là điều cấp thiết để củng cố hơn nữa quan hệ Pakistan-Mỹ”.
Trước đó, phía Pakistan cũng gọi những nhận định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden tại Washington D.C. (Mỹ) ngày 23/6 vừa qua là “trái với các quy tắc ngoại giao”.
New Delhi cho rằng, Islamabad đã giúp đỡ các tay súng Hồi giáo, những người đã chiến đấu với lực lượng an ninh Ấn Độ tại biên giới Kashmir từ cuối những năm 1980. Tuy nhiên, Pakistan phủ nhận cáo buộc và khẳng định chỉ hỗ trợ về mặt ngoại giao và tinh thần cho những người ở Kashmir đang tìm kiếm quyền tự quyết.
* Trong một tin liên quan, trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã phản đối bình luận của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về người Hồi giáo thiểu số tại đất nước Nam Á.
Phát biểu ngày 25/6, bà Sitharaman cho biết mình đã bị “sốc” trước những bình luận như vậy của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa thăm Washington để làm sâu sắc quan hệ song phương.
Tuần trước, phát biểu trên CNN (Mỹ), ông Obama cho rằng, vấn đề “bảo vệ người Hồi giáo thiểu số ở Ấn Độ, quốc gia có đa số người theo đạo Hindu sinh sống” nên xuất hiện trong cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Narendra Modi với Tổng thống Joe Biden. Cựu Tổng thống Mỹ nhận định, nếu không có sự bảo vệ như vậy, không loại trừ “khả năng vào một thời điểm nào đó, Ấn Độ có thể sẽ chia tách”.
Bộ Ngoại giao Mỹ từng quan ngại về quyền người Hồi giáo thuộc nhóm tôn giáo thiểu số khác ở Ấn Độ dưới thời đảng Bharatiya Janata của ông Modi. Song New Delhi khẳng định đối xử bình đẳng với mọi công dân.