Để học sinh không bị bớt xén thời gian nghỉ hè, nhiều năm qua, ngành giáo dục đã ban hành các văn bản, quy định nhằm chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Thế nhưng “lệnh cấm” dường như chỉ nằm trên giấy khi hoạt động này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhất là vào dịp nghỉ hè.
Quy định chỉ có giá trị… trên giấy
Ngay sau khi học sinh cả nước kết thúc chương trình năm học 2022-2023, nhiều địa phương ra thông báo cấm các trường tổ chức dạy thêm dịp nghỉ hè. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội yêu cầu các trường phổ thông trong thời gian nghỉ hè không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào. Các trường không được dạy trước chương trình hoặc tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023-2024. Các đơn vị giáo dục cũng không được dạy trước cho trẻ mầm non 5 tuổi vào lớp 1. Thời gian tựu trường cho học sinh trong năm học mới 2023-2024 thực hiện theo đúng chỉ đạo khung thời gian năm học của Bộ GD-ĐT đã quy định.
Tương tự, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục nghiêm cấm dạy học hè từ ngày 1-6 đến hết ngày 31-8 ở mọi cấp học. Để có kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Giang, Nghệ An cũng chỉ đạo các trường học tuyệt đối không được tổ chức dạy học hè. Các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh chỉ được thực hiện sau ngày tựu trường năm học 2023-2024.
Hè là thời gian để nhiều học sinh học thêm về ngoại ngữ. |
Liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh Dương Trí Dũng đã ký ban hành Văn bản số 927/SGDĐT-GDNCL gửi các đơn vị về việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Theo đó, các địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 18, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Chủ trương của cơ quan quản lý giáo dục là vậy nhưng thực tế hiện nay, tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra âm thầm tại nhiều địa phương. Bà Đào Thị My Thư, Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho hay, việc dạy thêm, học thêm đã trở thành mặc định, nhất là với những gia đình nào chuẩn bị có con thi chuyển cấp. Hoạt động này hiện được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Vấn đề bất cập là việc dạy thêm, học thêm chưa có một chế tài quản lý rõ ràng nên xung quanh hoạt động này không tránh khỏi những biến tướng và hệ lụy.
Thực tế, nhiều nơi cả học sinh, phụ huynh và giáo viên đều muốn được học và dạy chính học sinh của mình bởi đã hiểu nhau hơn ai hết. Khi thầy và trò “thu xếp” ổn thỏa, người ngoài rất khó biết. Khi hình thức học trực tuyến đã trở nên quen thuộc, các giáo viên càng dễ dàng “lách luật” để không vi phạm về nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Thậm chí, có cơ sở giáo dục gửi hẳn thông báo cho phụ huynh về việc triển khai chương trình học trong thời gian nghỉ hè. Chia sẻ về điều này, một phụ huynh có con học ở Trường THCS-THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) bức xúc nói: “Cả năm học 10 tháng, với mức học phí 6,5 triệu đồng/tháng. Tự nhiên nhà trường lại yêu cầu học từ tháng 7 với mức học phí 7,3 triệu đồng, tính thêm các khoản phí khác, con số sẽ là 10,5 triệu đồng/tháng. So với các trường công lập, học sinh ở đây đã học nhiều hơn hai tháng, lại học cả ngày, vì vậy, trường nên có kế hoạch bố trí hợp lý, giảm bớt các hoạt động phụ trợ trong năm, không nên vì lý do ôn tập và đẩy trước chương trình để bắt học sinh học sớm và thu với mức phí cao như vậy. Chúng tôi muốn con mình có thời gian nghỉ hè”.
Bất cập phát sinh nhu cầu
Dù rằng quy định địa phương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn nhưng thực tế, việc xử phạt dạy thêm hiện rất hạn chế vì nhu cầu từ phía phụ huynh là có thật.
Thực tế, nhiều gia đình đặt kỳ vọng vào con mình luôn luôn phải đạt thành tích tốt, thành tích cao trong học tập. Vì thế, nếu để cả 3 tháng hè “lông bông” thì vào năm học mới sẽ khó theo kịp các bạn. Trường hợp khác, vì nhận thấy con mình học lực yếu nên mùa hè tranh thủ cho con học bổ sung. Nhưng phần đông gia đình (chủ yếu là ở thành phố, thị xã) hiện nay lực bất tòng tâm phải cho con đi học thêm còn hơn để con ở nhà dán mắt vào điện thoại, máy tính chơi games… vì không có chỗ chơi. Tốt nhất là cho con đi học thêm, vừa có kiến thức vừa tránh được ít nhiều tác động không tốt từ các thiết bị công nghệ. Trong khi đó, có khá nhiều học sinh dù nghỉ hè nhưng vẫn thích đi học thêm, bởi đến lớp, các em được gặp gỡ với bạn bè hơn là ở nhà chỉ quanh quẩn với bốn bức tường hoặc “dán mắt” vào thiết bị công nghệ.
Theo chia sẻ của một chuyên gia giáo dục, hiện có hai kiểu dạy thêm. Kiểu thứ nhất, ở góc độ thực tế, do sự bất cập của chương trình giáo dục và nhu cầu muốn nâng cao kiến thức, rèn giũa thêm kỹ năng cho người học. Kiểu thứ hai là dạy “móc túi học sinh”. Lấy ví dụ về môn Ngữ văn, chuyên gia này phân tích: “Kể cả chương trình hiện hành (chương trình 2006) và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (chương trình 2018), hàm lượng môn Văn quá nặng để có thể dạy xong trong 1-2 tiết học. Thời lượng chương trình dành cho một tác phẩm văn học rất hạn hẹp, giáo viên dù có cố gắng cũng không thể dạy thấu đáo cho học sinh những yếu tố về giá trị nghệ thuật và nội dung những tác phẩm đó thì học sinh thi làm sao được. Do đó, nhu cầu học thêm xuất phát từ bất cập của chương trình và thi cử bao năm mang tính chất “trả bài”. Tức là thầy cô giảng và học sinh nghe, chép, học thuộc và trả lại cho thầy cô càng nhiều, càng đúng bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đó là điểm số của sự học thuộc lòng”.
Chương trình 2018 đã bắt đầu thay đổi. Cách thi mới sẽ hủy bỏ văn mẫu, học sinh phải dùng những kỹ năng được trang bị để tự phân tích một tác phẩm mới. Nhưng con đường đó còn nhiều gian nan bởi năng lực của giáo viên hiện chưa mang tính đồng nhất trong cả nước để có thể để dạy cho học sinh những kỹ năng đó. Mặt khác, tâm thế của học sinh vẫn là “mì ăn liền, văn mẫu”. Chương trình giáo dục mới dù đã khoa học hơn nhưng chưa thể loại bỏ được nhu cầu học thêm. Không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng có nhu cầu học thêm bởi một số nội dung bài giảng còn mới, họ cũng chưa biết dạy thế nào. Những hình thức dạy thêm đó trên cơ sở tự nguyện và nhu cầu thực. Ngược lại điều đó là một hình thức dạy thêm đáng lên án, bắt ép học sinh của mình đi học thêm chính mình, nếu không sẽ bị điểm kém.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, với cơ chế thi hiện nay, đến khóa học sinh sinh năm 2006, khóa cuối cùng học theo chương trình cũ, thi theo kiểu cũ thì việc học sinh cuối cấp học thêm vẫn là một nhu cầu có thật và hữu ích cho học sinh. Tuy nhiên, cần có sự cân đối sao cho dù là năm cuối cũng không để ảnh hưởng, tàn phá sức lực học sinh, làm gánh nặng tài chính cho bố mẹ. Còn học sinh các khối khác và học sinh chương trình mới thì hãy để các em có một mùa hè trọn vẹn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 17 quy định, hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm. Theo đó, hoạt động này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa. Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau. Tuyệt đối không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa. |
(còn nữa)
Bài và ảnh: HÀ LÊ KHOA