Trong những năm gần đây, hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối luôn được Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa đặt lên hàng đầu. Việc chăm sóc giảm nhẹ được diễn ra từ khi mới phát hiện bệnh đến quá trình điều trị, nhằm giúp người bệnh ổn định tâm lý, cải thiện sức khỏe và cảm thấy thoải mái nhất trong những ngày cuối đời.
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Ung bướu Thanh Hoá.
Khoa Điều trị tích cực và chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 10 đến 25 bệnh nhân. Đa số đều là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không còn chỉ định phẫu thuật, điều trị bằng xạ trị, hóa chất…
Ở giai đoạn này, người bệnh phải chịu đựng tình trạng đau đớn tăng dần, sức khỏe suy kiệt nặng, tinh thần suy sụp sau một thời gian dài chống chọi với bệnh. Chính thời điểm này, điều trị giảm nhẹ như “phao cứu sinh” cuối cùng tiếp thêm sự sống, “chỗ dựa tinh thần” giúp người bệnh có trạng thái tâm lý thoải mái hơn, giảm bớt những cơn đau, cải thiện tình trạng sức khỏe và sinh hoạt, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh nhân Trần Thị Hồng Thái (38 tuổi, ở huyện Hà Trung) bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối. Hơn 10 năm qua chị đã trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật và truyền hóa chất, khối u đã di căn vào nhiều bộ phận khác trong cơ thể, bản thân chị và người nhà đã rất nhiều lần buông xuôi. Nhưng từ năm 2021, chị nằm điều trị tại Khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ, tại đây chị được các bác sỹ tư vấn, chăm sóc, động viên từ chế độ dinh dưỡng, truyền hóa chất và kết hợp với dùng thuốc đích… hiện tại sức khỏe của chị tạm ổn định.
Chị Thái tâm sự: “Đối với chúng tôi, bệnh đã ở giai đoạn muộn giống như ga cuối của đoàn tàu. Khi đến đây điều trị, điều chúng tôi mong muốn nhất là được sự chăm sóc, tư vấn và sẻ chia của các bác sỹ nhằm giúp cho bản thân tôi cũng như tất cả bệnh nhân khác đang nằm điều trị tại đây cảm thấy an tâm hơn trong những ngày cuối đời… và Khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ đã đáp ứng được điều đó”.
Có thể nói, quá trình điều trị ung thư như: phẫu thuật, điều trị bằng tia xạ, hóa chất thường làm cho bệnh nhân đau đớn, hoặc đau do khối u chèn ép vào các tổ chức nằm xung quanh khối u; đau do thủ thuật xét nghiệm, chẩn đoán;… nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến bệnh nhân suy sụp cả về thể chất và tinh thần dẫn đến mất dần nghị lực đấu tranh với bệnh tật. Do đó cùng với phương pháp điều trị trực tiếp, thì chăm sóc giảm nhẹ là rất quan trọng, giúp người bệnh được kiểm soát cơn đau và các triệu chứng gây lo lắng khác. Ngoài ra, khi bệnh nhân đến điều trị tại đây cũng được các y bác sỹ và điều dưỡng hướng dẫn cho gia đình người bệnh các bài luyện tập, giải tỏa tâm lý giúp bệnh nhân và người nhà bệnh nhân vượt qua khó khăn….
Khoa Điều trị tích cực và chăm sóc giảm nhẹ thành lập từ năm 2017. Đây là đơn vị hồi sức, chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên dành riêng cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại tỉnh Thanh Hóa. Với 65 giường bệnh được chia thành 2 khu gồm: Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ. Nhiều năm qua, khoa đã làm chủ và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và hồi sức cấp cứu, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân nặng, nguy kịch như: Thông khí nhân tạo xâm nhập và không xâm nhập, chọc dò dịch màng phổi, màng tim, màng bụng, truyền hóa chất tĩnh mạch, điều trị thuốc nhắm trúng đích… mang lại hiệu quả cao cho người bệnh.
Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Hà, Trưởng khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ cho biết điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là một quá trình được bắt đầu từ lúc được chẩn đoán, cho đến khi bệnh nhân qua đời. Ở giai đoạn cuối, tế bào ung thư phát triển rất mạnh, lan rộng và xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết và các nội tạng, cơ quan như não, phổi, gan, xương… làm cho người bệnh trở nên suy kiệt, đau đớn rất nhiều và có xu hướng tăng dần, suy sụp về tinh thần, giảm sức đề kháng… thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong do: suy hô hấp, suy tuần hoàn, nhiễm khuẩn. Hiện nay, căn cứ vào thể trạng, diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân, chúng tôi sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp như: kiểm soát chức năng hô hấp, tuần hoàn, cung cấp dinh dưỡng, cải thiện thể lực… giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, có trạng thái sức khỏe, tinh thần tốt nhất để sống trọn vẹn, an yên đến giây phút cuối cùng.
Đối với tập thể cán bộ của khoa, được chứng kiến những bệnh nhân phục hồi sức khỏe kỳ diệu sau cơn nguy kịch, sự sống dù ngắn ngủi nhưng cũng là điều đáng trân quý. Sự hài lòng, an tâm và niềm tin của bệnh nhân và gia đình của họ gửi gắm trong những ngày điều trị tại bệnh viện là động lực để mỗi y bác sĩ vượt lên mọi khó khăn, vất vả, hoàn thiện chuyên môn và tiếp tục tận tụy với hành trình chăm sóc giảm nhẹ, tiếp thêm nghị lực, mang đến tình yêu thương, niềm tin để bệnh nhân kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
Để có được một chuyên Khoa Hồi sức tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ hoạt động ổn định, phát triển, gây dựng được niềm tin cho người dân trong và ngoài tỉnh như hiện nay là một quá trình phấn đấu, nỗ lực bền bỉ vượt lên khó khăn, hoàn thiện y đức, chuyên môn từng ngày, từng giờ của mỗi cá nhân bác sĩ, nhân viên y tế. Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Tú, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa cho biết: Khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ là chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện, nơi các bệnh nhân nặng về ung bướu điều trị. Kể từ khi thành lập, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của bác sỹ Hoàng Thị Hà và sự đồng lòng của các bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa, Khoa Điều trị tích cực và Chăm sóc giảm nhẹ chú trọng phát triển về đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn, phát triển về kỹ thuật cao đồng thời chú trọng đào tạo cho đội ngũ cán bộ của mình trong giao tiếp, ứng xử để người bệnh cảm thấy được tin tưởng, được chăm sóc, được yêu thương, đặc biệt trong những ngày cuối đời. Để phát huy hiệu quả của việc chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư, Bệnh viện sẽ triển khai thêm mảng chăm sóc toàn diện cho người bệnh, cụ thể đó là cử một ê kíp đi học tại các bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao trình độ chuyên môn từng bước giảm gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Tại Việt Nam, 70-80% bệnh nhân ung thư đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn nên khả năng điều trị bị hạn chế và chi phí rất tốn kém. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế uy tín để tầm soát, phát hiện, có hướng điều trị sớm các loại bệnh ung thư.
Xuân Nguyễn (CDC Thanh Hoá)