Tháng tư lịch sử, lòng thênh thang, tôi đi trên những con đường, qua bao nếp nhà khang trang, yên ả của Hàm Rồng, Nam Ngạn – hai địa danh gắn liền với chiến thắng Hàm Rồng lịch sử, cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Chiến công ngày nào như còn vang vọng đâu đây, trên đồi Quyết Thắng uy nghi, sừng sững, trên cầu Hàm Rồng vững chãi, hiên ngang. Tất cả còn vẹn nguyên trong ký ức lớp người từng xả thân giữa mưa bom bão đạn, cho cây cầu đứng vững, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng vì Tổ quốc.
Bà Ngô Thị Truyền, phường Nam Ngạn bên những tấm hình cùng đồng đội năm xưa.
Sử sách nói nhiều về chiến thắng Hàm Rồng – Nam Ngạn, thế nhưng tôi muốn được nghe ai đó, từng đi qua những năm tháng xưa kể lại, để có thể cảm nhận được hơi thở của một thế hệ anh hùng. Đem ước muốn ấy, chạy dọc bờ đê sông Mã, rồi len lỏi vào những con ngõ nhỏ làng Nam Ngạn, tới nhà cụ bà Ngô Thị Truyền theo sự chỉ dẫn của bác Bí thư chi bộ tổ dân phố Nam Ngạn 1. Cụ Truyền tham gia Đại đội dân quân Nam Ngạn, từng trực chiến, tiếp đạn, tải thương trong cuộc đụng đầu lịch sử ngày 3 và 4-4-1965. Ở tuổi 75, cụ vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Và, Hàm Rồng – Nam Ngạn vẫn hằn in từng dấu vết trong hồi ức của cụ. Cụ Truyền kể: “Ngày ấy, nhiệm vụ của chúng tôi là sơ tán người già và trẻ nhỏ ra khỏi địa bàn trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, đồng thời hối hả đào đắp hầm hào, công sự, sẵn sàng tránh và đánh trả quân địch. Bước vào cuộc chiến, dân quân Nam Ngạn đã phối hợp chặt chẽ cùng bộ đội, theo phương án bắn máy bay đã được luyện tập. Trận địa trực chiến của dân, quân Nam Ngạn đặt ngay ở mặt đê đầu làng, kịp thời bắt mục tiêu khi tiếng hô từ các trận địa cao xạ vọng về. Trung đội trưởng Nguyễn Thị Hằng gan dạ, dũng cảm, thông minh, chờ máy bay Mỹ bổ nhào xuống thấp hoặc những chiếc máy bay hạ thấp độ cao để tránh luồng đạn của bộ đội cao xạ thì mới hô “bắn”. Khi từng chiếc máy bay nối đuôi nhau bổ nhào, bị quân ta bắn quyết liệt, chúng chưa kịp ném bom đã phải nhào lên, rồi ném bom bừa bãi khắp dòng sông”. Không chỉ ngày 3 và 4-4, cụ Truyền đã cùng đồng đội bao phen vào sinh ra tử những năm sau đó, để rồi có những ký ức đã sống cùng cụ như tri kỷ, như hơi thở không bao giờ nguôi vơi, phai nhạt. Chỉ có tôi và cụ ngồi trong ngôi nhà ấm cúng, nghe cụ kể bằng nhiệt huyết trái tim, bỗng những trang sử đã từng đọc lại hiện lên như thể mình đang được sống, được chứng kiến cái thời khắc oanh liệt đó.
58 năm, thời gian đủ lấy đi nhiều thứ của một con người, thế nhưng không thể làm phai nhòa những khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng trong tâm trí những người từng trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Được sự giới thiệu từ nhà văn Lê Xuân Giang, tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chuẩn, phường Trường Thi – người đã kề vai sát cánh cùng đồng đội, trực tiếp chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Cụ Chuẩn, năm nay 83 tuổi, sức khỏe có phần giảm sút nhưng khi nhắc đến chiến thắng Hàm Rồng – Nam Ngạn, nhắc đến những trận đánh lịch sử trên mảnh đất này, sức sống dường như lại căng tràn lạ thường, hiện rõ trên nét mặt phấn chấn, trong đôi mắt bất chợt sáng ngời tinh anh và cả trong những câu chuyện kể.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chuẩn, phường Trường Thi ôn lại kỷ niệm chiến thắng Hàm Rồng.
Tôi mở lời về cuộc chiến ngày 3 và 4-4, rồi được nghe cụ Chuẩn kể về chiến công, về không khí hào hùng của hai ngày lịch sử ấy bằng tất cả những ký ức, những dòng cảm xúc của một người từng sống và trực tiếp chiến đấu. “Năm 1964, sau khi đi học ở đơn vị hỏa lực, tôi được điều động về Thanh Hóa và nhận nhiệm vụ tại Đại đội 3 cơ động của Công an vũ trang Thanh Hóa. Đầu năm 1965, sau khi nắm chắc tình hình ở Hàm Rồng, tôi – tổ trưởng cùng 3 đồng chí khác được giao nhiệm vụ đi tìm trận địa bắn máy bay tầm thấp trên núi Ngọc, núi Rồng. Tìm được vị trí rồi, tôi nhanh chóng báo cáo cấp trên, nhưng cấp trên chưa kịp quyết định vị trí đào hầm hào thì máy bay Mỹ đã bắt đầu đánh phá. Lúc đó, phía đầu cầu Hàm Rồng do Phân đội 3 Công an vũ trang đảm nhận, có 3 nhiệm vụ chính là phát hiện gián điệp biệt kích người nhái phản động để tiêu diệt; tham gia bắn máy bay tầm thấp và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Dù không phải là quân số của Phân đội 3, nhưng trong lúc làm nhiệm vụ, Mỹ ném bom bắn phá cầu Hàm Rồng nên tôi đã tham gia chiến đấu cùng với Phân đội 3”.
Những tình tiết gay cấn được cụ Chuẩn diễn đạt bằng cả lời nói, nét mặt lẫn cử chỉ bàn tay. Tôi cũng bị cuốn vào câu chuyện với nhiều cung bậc và trạng thái cảm xúc. Khi tôi hỏi về ấn tượng sâu sắc nhất trong 2 ngày chiến đấu bảo vệ cầu, cụ Chuẩn trầm tư nói: “Ngày 3 và 4-4 ác liệt ấy, có nhiều khoảnh khắc, nhiều sự kiện khó quên lắm, cái nào cũng thấy sâu sắc. Nhưng tôi nhớ mãi hành động dũng cảm của đồng chí Ngân Văn Néng và Hoàng Trung Thuấn – 2 người con của quê hương Thanh Hóa. Vì máy bay Mỹ liên tục ném bom bắn phá nên hầm hào, công sự của ta bị vùi lấp bởi đất đá trên núi văng xuống. Trước tình thế đó, 2 đồng chí ấy đã nhanh trí, dũng cảm, một người lấy súng đặt trên lưng, còn một người làm nhiệm vụ ngắm bắn và đã có một máy bay Mỹ bị bắn cháy trong niềm vui mừng khôn tả”.
Cụ Chuẩn hào hứng kể tiếp: “Trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí Lê Minh Hậu – y tá và chiến sĩ Hoàng Văn Tam phát hiện một chiếc bè luồng to hàng trăm mét của người dân đi trên sông Mã. Nghe tiếng đạn bom bắn phá ác liệt, người dân liền bỏ lên bờ, mặc cho bè luồng trôi dạt trên sông. Tôi liền nghĩ, theo dòng nước chảy ra biển, bè luồng trôi sẽ va chạm vào trụ cầu giữa dòng sông, gây rung cầu và làm rõ mục tiêu bắn phá của giặc Mỹ. Tôi nhanh chóng bàn với đồng chí Phân đội trưởng cử 1 người cầm dây bơi ra buộc vào bè luồng, còn anh em trên bờ dồn sức kéo cho bè tránh va chạm vào trụ cầu. Dù rất vất vả nhưng chúng tôi đã làm được điều đó”. Vì dâng hiến tất thảy cho sự sống còn của cây cầu Hàm Rồng, nên cụ Chuẩn nhớ rõ từng tình huống. Cụ kể với tôi: “Hôm ấy, ở phía bên núi Ngọc, trong làn mưa đạn điên cuồng của giặc, có 2 đồng chí đang làm nhiệm vụ thì bị đất đá văng xuống lấp mất hầm hào. Không thể thoát lên được, họ đã phải dùng súng bắn lên trời, tạo tiếng vang để đồng đội biết đến giúp đỡ và họ đã được đưa lên khỏi hầm hào an toàn”.
Chẳng ai quên bi thương và không chiến thắng nào không được lưu dấu. Trong trận chiến đấu giữa một bên là vũ khí tối tân hiện đại của kẻ thù với một bên chỉ có vũ khí thô sơ, thế nhưng bằng ý chí sắt đá, lòng căm thù và tinh thần quả cảm, quân dân Hàm Rồng – Nam Ngạn nói riêng, Thanh Hóa nói chung đã hiệp đồng tác chiến với các lực lượng chiến đấu, làm nên thắng lợi giòn giã. Những câu chuyện, những cảm xúc lúc cao trào hứng khởi, lúc trầm lắng nghẹn ngào nhưng vẫn còn vẹn nguyên hào khí. Tôi nhìn các cụ chợt hiểu, vì sao đất nước nhỏ bé này lại có thể làm nên những chiến công hiển hách lớn lao đến thế từ bao đời nay. Thật không gì vĩ đại bằng tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc.
Bài và ảnh: Minh Khôi