Hoạt động triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám, chữa bệnh thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực hiện nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Người dân khi đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh thay vì xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, giấy tờ tùy thân nay chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân. Nhân viên y tế sau khi tiếp nhận sẽ quét thẻ căn cước công dân để nhập thông tin, dữ liệu về bảo hiểm y tế cho bệnh nhân và hướng dẫn thực hiện các bước khám, chữa bệnh.
Theo đồng chí Thái Văn Tính – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang, để triển khai hiệu quả việc sử dụng căn cước công dân gắn chip trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nâng cấp hệ thống phần mềm cổng tiếp nhận thuộc hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành, sẵn sàng cung cấp thông tin thẻ bảo hiểm y tế để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng căn cước công dân gắn chip đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội tỉnh kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tiếp nhận người dân tham gia bảo hiểm y tế sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy.
Chị Đoàn Thị Nhanh – nhân viên thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) hướng dẫn người dân sử dụng căn cước công dân khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Song song đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh tỉnh Kiên Giang hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh phối hợp kê khai số định danh cá nhân, căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ban hành văn bản triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chip khi khám, chữa bệnh đến bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố, đại lý thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Tại các địa phương, bảo hiểm xã hội huyện, thành phố tích cực phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền đến người dân tiện ích, ý nghĩa của việc sử dụng căn cước công dân gắn chip khi khám, chữa bệnh; hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chính quyền số; tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ bảo hiểm y tế về các thủ tục khám, chữa bệnh, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện tiết giảm tối đa.
Việc triển khai sử dụng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh mang đến nhiều lợi ích thiết thực, giảm thiểu thủ tục giấy tờ giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh hơn, tránh tình trạng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác, thất thoát, mất thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh.
Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip trong thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đem đến nhiều lợi ích đối với cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, nhất là ngành bảo hiểm xã hội, giúp tiết kiệm chi phí cấp phát, quản lý thẻ bảo hiểm y tế và chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Trường hợp người bệnh không có thông tin hợp lệ về tham gia bảo hiểm y tế, nhân viên y tế giải thích để người bệnh biết tình trạng của thẻ bảo hiểm y tế trên căn cước công dân chưa thể thực hiện được. Sau đó, đề nghị người bệnh xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh để thực hiện quy trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thông thường.
Từ những tiện ích mang lại, người dân trên địa bàn tỉnh đồng tình, ủng hộ việc hai ngành bảo hiểm xã hội, y tế triển khai thực hiện sử dụng căn cước công dân thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy trong khám, chữa bệnh. Ông Trần Văn Áng, ngụ xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ: “Trước đây, khi đi khám bệnh tôi phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, xuất trình chứng minh nhân dân để bệnh viện kiểm tra thông tin. Giờ chỉ cần xuất trình căn cước công dân là có thể khám, chữa bệnh nên rất tiện, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt thủ tục, các loại giấy tờ liên quan, rút ngắn thời gian rất nhiều”.
Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang, quý I-2023, tỉnh có 146/186 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin người dân đến khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân với tổng số 39.269 lượt tra cứu, trong đó tra cứu thành công 18.517 số định danh cá nhân, căn cước công dân được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực.
Bài và ảnh: CẨM TÚ