YênBái – Nhà ông An Văn Đảo – Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Sen, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái nhiều năm nay trồng giống sắn lai cao sản để làm thức ăn cho gia cầm. Ông nói như năm 2022, có 3 sào đất vườn tận dụng, ông cũng trồng được gần 1.000 gốc sắn, thu về chừng 3,5 tấn sắn củ tươi.
Cây sắn được trồng vào tháng 3 và bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 12 Dương lịch hàng năm. Lúc đó, thường nhà ông chỉ nhổ một chút để ăn, còn lại sẽ tập trung thu hoạch bằng hết trong khoảng thời gian từ rằm tháng Giêng đến rằm tháng 2.
Đây là thời điểm củ sắn to, cho hàm lượng tinh bột nhiều nhất, theo kinh nghiệm của nhà ông. Có khó khăn khi tiến hành thu hoạch đồng loạt tại thời điểm ấy là trời nồm ẩm, không nhiều nắng. Sắn phơi chỉ được một nắng thì không khô, trở thành ốp ếp, rất dễ hỏng. Vì vậy, để giữ được lượng sắn thu hoạch về trong năm làm nguồn thức ăn cho gà quanh năm, nhà ông Đảo từ nhiều năm nay đã thực hiện ủ sắn tươi bằng phương pháp yếm khí.
Ông Đảo chia sẻ cách ủ sắn tươi bằng phương pháp yếm khí một cách rất đơn giản, dễ làm. Vào thời gian cao điểm thu hoạch sắn, mỗi buổi sáng, hai vợ chồng ông nhổ được khoảng 3 tạ sắn củ tươi. Đất bám vào củ sắn sẽ được bơm nước rồi đi ủng đạp cho sạch hết luôn.
Sau khi chờ cho sắn khô thì thực hiện tiếp công đoạn ruôi sắn. Có sự trợ giúp đắc lực của máy ruôi thì chỉ trong vòng 30 phút sẽ ruôi xong toàn bộ lượng sắn nhổ về trong ngày.
Ở công đoạn tiếp theo, vợ chồng ông sẽ đóng sắn vào túi ni-lông khoảng 30 kg trong lần đầu, rồi chờ cho sắn ngót bớt đi sẽ đóng tiếp lần hai cho đầy túi là khoảng 40 kg. Phía dưới đáy túi ni-lông đựng sắn ruôi được ông cắt thủng 2 lỗ, mỗi lỗ có đường kính 1 cm để nước sắn chảy ra ngoài rồi lồng ngoài bằng bao tải dứa, buộc kín cả miệng túi ni-lông lẫn miệng bao tải dứa. Cứ thế đến hết sắn thu về, ông làm 1 sàn kê bằng tre hoặc gỗ cách mặt đất tầm 20 cm để đặt các bao tải lên.
Những bao sắn tươi này, ông Đảo để ngay ngoài vườn, che kín bằng tấm lợp hoặc ni-lông để tránh mưa ướt. Chỉ độ nửa tháng sau, sắn đã hết mùi hăng là ông cho gà ăn thẳng luôn. Nếu muốn làm thức ăn cho lợn, ông bảo phải nấu thành cám. Với đàn gà, ông để bao sắn xuống đất, cắt một đường dọc thân bao rồi mở ra cho gà ăn đến hết thì lấy bao khác.
Ông Đảo cho biết thêm: “Theo tính toán của tôi, sau 6 tháng ủ, lượng sắn sẽ ngót tầm 33% và sau 10 tháng là 50%. Để làm thức ăn cho gà, tôi thường trộn thêm ngô bột theo tỷ lệ 10% so với lượng sắn thực tế còn lại trong mỗi bao tại thời điểm cho đàn gà ăn”.
Mỗi năm nuôi gối vụ, ông Đảo duy trì đàn gà ri ta 150 con. 3 sào sắn tươi trồng hàng năm, thu về 3,5 tấn sắn củ tươi, ngoài phần nhà ăn và bán bớt, ông ủ được 50 bao sắn ruôi. Sắn ruôi ủ chiếm 70% tổng lượng thức ăn cho đàn gà của nhà ông Đảo, bình quân 1 con gà sẽ ăn 1 lạng sắn ruôi ủ mỗi ngày.
Đàn gà nhà ông Đảo thả trong khu vườn rộng có nhiều cây xanh, mỗi con độ 1,8 – 2 kg. So với cho ăn ngô, đàn gà đẻ nhiều trứng gấp 1,5 lần khi ăn sắn tươi ruôi ủ, trứng gà rất thơm, ngon, lòng đỏ có màu vàng đậm. Vừa để ăn vừa để bán, trứng gà nhà ông toàn những người trong thôn, trong xã mua hết, lúc được giá là 5.000 đồng/quả.
Làm sắn tươi ruôi ủ cho đàn gà ăn nhiều năm, ông Đảo khẳng định: “Cách làm này thật sự tôi thấy rất nhanh chóng, tiện lợi, giảm được rất nhiều công lao động so với việc phải phơi sắn mà nhất là lại không hề phụ thuộc thời tiết. Thích nữa là mình chủ động được nguồn thức ăn cho đàn gà quanh năm, không lo thức ăn bị hỏng, hiệu quả mang lại thì rất tốt”.
Nguyễn Thơm