Tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” của nhóm tác giả: Lan Hương – Thùy Linh – Thanh Trang – Tạ Ngoãn – Thanh Tú – Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh được Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia trao giải A, thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh). Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã có dịp trò chuyện cùng nhà báo Bùi Thị Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, đại diện nhóm tác giả.
Đầu tư thời gian công sức, biện giải từng vấn đề, từng chi tiết
+ Vấn đề xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm luôn là đề tài khó với mỗi người làm báo, ít cán bộ hay người dân nào muốn lên tiếng. Vậy tác phẩm này được nhóm thực hiện dựa trên ý tưởng nào và gặp những khó khăn gì?
– Hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, tha hóa, vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ là vấn đề được đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là nhiệm kỳ Đại hội XII và Đại hội XIII. Mặc dù, các quan điểm, quy định của Đảng đã rất rõ ràng, chặt chẽ, nhưng trên thực tiễn thời gian qua cho thấy việc lạm quyền, tha hóa, vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ nhìn chung chưa được kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ.
Tại Quảng Ninh, đã có một số cán bộ chủ chốt, nguyên chủ chốt ở các địa phương bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý do những vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, do sự lạm quyền, lộng quyền, gây nhức nhối và bất bình trong xã hội. Chúng tôi nghĩ làm thế nào để định hướng dư luận từ những vụ việc như vậy và đâu là những giải pháp hữu hiệu? Những câu hỏi này đã thôi thúc ê kíp thực hiện loạt phóng sự dài kỳ về vấn đề này.
Quá trình thực hiện tác phẩm, vì liên quan đến vấn đề kỷ luật nhiều cán bộ đảng viên từ tỉnh xuống các địa phương trên địa bàn tỉnh nên ê kíp gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên hệ các nhân vật để phỏng vấn. Đã có nhiều nhân vật ban đầu nhận trả lời sau lại từ chối khiến ê kíp liên tục phải thảo luận, tìm và liên hệ các nhân vật khác cho phù hợp với nội dung tác phẩm.
+ Trong phóng sự có nêu nhiều vấn đề như bổ nhiệm, quản lý cán bộ, vấn đề vi phạm các quy định những điều Đảng viên không được làm… phải tập hợp rất nhiều thông tin tư liệu, phỏng vấn nhiều người, ê kíp đã vượt qua thử thách này như thế nào?
– Cả nhóm chúng tôi liên hệ và đến nhiều địa phương và đã thu trên 50 phỏng vấn các nhân vật khác nhau trong đó, có nhiều nhân vật sinh sống và làm việc ở nhiều địa phương xa xôi trong tỉnh như ở thành phố biên giới Móng Cái, huyện miền núi Tiên Yên hay huyện đảo Cô Tô… khiến việc hoàn thành các nội dung phỏng vấn tốn nhiều thời gian và công sức.
Với tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” ê kíp thực hiện đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức trong việc lựa chọn nhân vật phỏng vấn, biện giải từng vấn đề, từng chi tiết. Chúng tôi cố gắng bằng tác phẩm của mình truyền tải đến thính giả những vấn đề mà cán bộ, đảng viên đang rất quan tâm trong thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Chúng tôi may mắn trong quá trình thực hiện được các đảng viên lão thành đã rất quan tâm, hỗ trợ và có những ý kiến góp ý rất quý báu cho ê kíp để hoàn thiện tác phẩm.
Yêu cầu chất lượng đối với thể loại phát thanh càng đòi hỏi cao hơn
+ Qua tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” nhóm mong muốn truyền tải những thông điệp gì cho người nghe, đặc biệt là lực lượng cán bộ đảng viên đang công tác tại các cấp chính quyền?
Tác phẩm đã tập trung phân tích những sai phạm của người đứng đầu cấp ủy một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua khẳng định quan điểm “cành đã sâu thì phải chặt” của tỉnh Quảng Ninh.
Tác phẩm đồng thời ghi nhận ý kiến của các đảng viên, lãnh đạo cấp ủy, nguyên lãnh đạo các Ban xây dựng đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để nhận diện rõ những lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực của cán bộ. Đặc biệt, phóng sự cũng đưa ra một số khuyến nghị về những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để vừa kiểm soát, vừa hỗ trợ được cho chính cán bộ “trụ vững” trước những cám dỗ về quyền lực, về vật chất.
Qua tác phẩm và qua chính những nhân vật được phỏng vấn trong tác phẩm. Mọi người đều có sự tiếc nuối và đau xót về quá trình đào tạo, rèn luyện một cán bộ trẻ có quá trình phấn đấu nhiều thàch tích ấn tượng nhưng khi có chức vụ cao thì bị tha hóa, không giữ nổi mình. Nhưng bên cạnh đó cũng có sự tin tưởng vào tổ chức đảng khi nhanh chóng phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, rất tiếc cho tổ chức, nhưng vì sự trong sạch của tổ chức và vì lòng tin của nhân dân nên buộc tổ chức Đảng phải làm. Điều này hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình rất cao. Khi nhân dân tin tưởng, sức mạnh của Đảng sẽ ngày càng nhân lên.
Mặc dù rất thất vọng và tiếc nuối trước những vấp ngã, sai phạm hay sự tha hóa về đạo đức của một số cán bộ, người đứng đầu thời gian qua. Song hầu hết cán bộ, đảng viên được phỏng vấn đều mong rằng từ những sai phạm của người đi trước, lực lượng cán bộ đảng viên đang công tác tại các cấp chính quyền hơn ai hết cần tiếp tục rèn luyện về đạo đức, phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ.
Đồng thời cũng tin tưởng vào những giải pháp của cấp ủy, chính quyền địa phương trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đi đôi với việc kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền, phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm.
+ Theo chị làm sao để một tác phẩm phát thanh vừa được truyền tải được các nội dung quan trọng vừa có sức hấp dẫn, có chất lượng cao gửi đến thính giả?
– Mỗi tác phẩm báo chí phát thanh là một câu chuyện sinh động, chân thực, đầy ý nghĩa về một lĩnh vực của đời sống. Tác phẩm “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” tập trung vào vấn đề Đảng đang có sự chỉ đạo rất quyết liệt nhằm làm trong sạch bộ máy, nâng cao niềm tin của nhân dân. Với những số liệu xác thực, lập luận chặt chẽ đồng thời với các phát biểu phỏng vấn “đúng người, đúng vai” chứng minh các luận điểm và làm sâu sắc thêm vấn đề, tác phẩm được thể hiện sinh động, hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của dư luận. Ngay sau khi phần 1 phát sóng, đã có nhiều ý kiến phản hồi của thính giả về tác phẩm với ekip thực hiện.
Trong xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đôi khi chúng ta ngỡ như một số loại hình như báo in, phát thanh đã bị quên lãng nhưng thực ra mỗi loại hình báo chí có đối tượng bạn đọc, thính giả riêng. Thính giả của phát thanh hiện nay có thể bị thu hẹp hơn so với trước đây nhưng lại có sự tinh lọc chất lượng hơn, đối tượng thính giả này họ vẫn luôn tin yêu, kỳ vọng và mong chờ thông tin từ loại hình đặc thù rất đặc biệt này.
Vì vậy yêu cầu chất lượng đối với thể loại phát thanh càng đòi hỏi cao hơn. Qua thực tiễn làm việc chúng tôi thấy rằng, để có được một tác phẩm báo chí chất lượng, ý nghĩa thì ngoài sự đầu tư công sức, thời gian, trí tuệ của tác giả thì việc tìm kiếm đề tài cuốn hút, tính thời sự cũng quan trọng, có như vậy mới thực sự hấp dẫn đối với người nghe.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của chị!