Xin hỏi bác sĩ ung thư vòm họng giai đoạn 3 sống được bao lâu? Tôi phải làm gì để sống chung với bệnh thưa bác sĩ? (Hoàng, 62 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Theo Globocan (cơ sở dữ liệu ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế), ung thư vòm họng nằm trong 10 loại ung thư có số ca mới phát hiện và gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam vào năm 2020.
Ung thư vòm họng giai đoạn 3 là giai đoạn tiến triển tại chỗ – tại vùng. Ở giai đoạn này, khối u đã xâm lấn các cơ quan xung quanh như nền sọ, cột sống cổ, các xoang cạnh mũi, di căn hạch cổ hai bên (nhóm hạch cổ cao), gây đau nhức, nghẹt mũi hoặc hạch cổ loét ra da. Việc chăm sóc, điều trị gặp nhiều khó khăn và tốn kém hơn so với giai đoạn sớm.
Ung thư vòm họng được đánh giá giai đoạn dựa trên 3 yếu tố gồm: khối u (vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn), tình trạng di căn hạch bạch huyết lân cận (hạch vùng) và di căn xa (tới các cơ quan khác trong cơ thể như phổi đối bên, não, xương, tuyến thượng thận… hoặc di căn đến các hạch không phải hạch vùng).
Theo hướng dẫn của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Mỹ (AJCC), ung thư vòm họng được đánh giá giai đoạn 3 khi khối u xâm lấn các cấu trúc xương nền sọ, cột sống cổ, xương bướm và/hoặc các xoang cạnh mũi hoặc có di căn hạch cổ hai bên (nhóm hạch cổ cao), kích thước hạch lớn nhất nhỏ hơn hoặc bằng 6 cm, chưa di căn xa.
Đối với ung thư vòm họng giai đoạn 3, dữ liệu từ AJCC cho thấy tỷ lệ sống sau 5 năm đạt 81%. Ngoài giai đoạn, tải lượng DNA của virus epstein-barr (EBV DNA) trước khi điều trị cũng đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng sống. Khi kết hợp yếu tố giai đoạn và tải lượng EBV DNA, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư vòm họng giai đoạn 3 lần lượt là 66% nếu tải lượng EBV DNA thấp (dưới 4000 copies/ml); và 54% nếu tải lượng EBV DNA cao (lớn hơn hoặc bằng 4000 copies/ml). Ngoài ra, tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư vòm họng còn phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi, tình trạng sức khỏe, bệnh nền đi kèm, mức độ đáp ứng với điều trị…
Phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 3 là hóa, xạ trị đồng thời. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được hóa trị trước (còn gọi là hóa dẫn đầu) hoặc hóa trị hỗ trợ sau hóa – xạ trị.
Bệnh nhân ung thư vòm họng giai đoạn 3 thường gặp khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày do các triệu chứng của ung thư gây ra và do tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị. Chăm sóc bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn này cần lưu ý một số vấn đề sau:
Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ 3 thành phần chính: tinh bột (cơm, bánh mì…), đạm (thịt, hải sản, các loại hạt…), chất béo (dầu đậu nành, bơ thực vật, hạt hướng dương…). Người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau củ tươi nhằm bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa; hạn chế các món ăn nhiều gia vị, thức uống có ga, rượu bia… Thức ăn nên được nấu mềm, dạng sệt hoặc lỏng để dễ nhai nuốt, chia làm nhiều bữa ăn với lượng nhỏ.
Người bệnh nên vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giảm nhẹ tác dụng phụ trên niêm mạc miệng, họng do hóa trị, xạ trị. Tập thể dục nhẹ nhàng (dưỡng sinh, yoga, đi bộ, bơi lội…) cũng giúp tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân. Người nhà nên động viên tinh thần, khích lệ, đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình điều trị. Khi có những dấu hiệu bất thường hoặc các triệu chứng (đau, nôn ói…) không thể kiểm soát với thuốc đang sử dụng, người bệnh nên thăm khám sớm để được xử trí phù hợp.
BS.CKI Vũ Trần Minh Nguyên
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM