Trong tuần qua, cả thế giới đã chấn động với sự mất tích của tàu ngầm Titan. Ngoài các bản tin, các phân tích của chuyên gia và lực lượng chức năng, một lượng nội dung khổng lồ khác cũng xuất hiện trên các MXH, qua lời kể của những người từng làm việc trên tàu ngầm, những chuyên gia về hệ thống lọc khí carbon dioxide (CO2) cho tới cả những người không hề có chút chuyên môn nào về lĩnh vực này.
Những “nhà báo tại gia”
Tất nhiên, cùng với các MXH như Facebook, YouTube hay Twitter, thì TikTok cũng không đứng ngoài cuộc. Các video chỉ trích, kêu gọi sự đồng cảm, tương tác v.v. liên tục xuất hiện. Ngay cả những nhà ngoại cảm tự xưng trên TikTok cũng tham gia bình luận và dự báo về vụ việc.
Nhưng rút cuộc, các mảnh vỡ của tàu đã được tìm thấy. Các dấu hiệu cho thấy thân tàu bị lỗi và con tàu đã bị nghiền nát do áp lực của nước. Cả 5 người đều không qua khỏi. Nó cho thấy gần như tất cả các cuộc “điều tra” của các “chuyên gia bàn phím” là “sai bét”.
Điều đó càng nhấn mạnh sự phổ biến và có thể nói là vấn nạn “tự truyền thông” của những “nhà báo vườn”, “nhà báo tại gia” hay “nhà báo công dân” trên TikTok, cũng như các MXH khác.
Trong vụ việc này, nhiều TikToker đã nhanh chóng cho ra những video liên quan tới tàu Titan, tàu Titanic, và tạo ra mức tăng trưởng đáng kể về lượng người theo dõi và mức độ tương tác trong vài ngày qua.
Điều này không gây sốc cho những người nghiên cứu về truyền thông. Trào lưu này đã diễn ra trong vài năm qua. Nó dường như đã trở thành khuôn mẫu về những gì sẽ xảy ra trên MXH khi có thông tin về một thảm họa.
Nhờ thuật toán của TikTok, việc đăng tải về một thảm họa lớn như Titan có thể khiến video trở nên viral (lan truyền) rất nhanh. Việc nhận được nhiều view và nhiều sự chú ý có thể dẫn tới mức thu nhập cao hơn từ TikTok, hoặc các hợp đồng quảng cáo giá trị sau đó.
Ahren Grey, một nhà sáng tạo nội dung 29 tuổi đến từ San Diego, người cũng sở hữu một thương hiệu thời trang đường phố lấy cảm hứng từ trò chơi “Dungeons and Dragons”, chỉ có hơn 100.000 người theo dõi trước khi bắt đầu đăng bài về tàu Titan. Bây giờ anh ấy có hơn 300.000 và con số vẫn tiếp tục tăng. Gray, một “tín đồ Titanic” lâu năm, có hình xăm của nữ diễn viên phim Titanic, Kate Winslet, trên đùi.
“Khi các con số bắt đầu tăng, tôi càng cảm thấy áp lực vì những người đó đang gặp khó khăn và nguy hiểm ở dưới đại dương tại thời điểm tôi làm video”, Gray nói. “Khi các video bắt đầu lan truyền, tôi bắt đầu nghĩ về đạo đức của mình”.
Gray đã đăng các video của mình thành nhiều phần, trêu chọc người xem bằng âm nhạc kịch tính, yêu cầu họ để lại bình luận nếu họ muốn xem tiếp phần sau. Tuy nhiên, anh đã dừng yêu cầu này vì cảm thấy điều này quá giống với chiêu trò “câu view rẻ tiền”. Giống như nhiều người sáng tạo nội dung, Gray tự gọi công việc của mình là “đưa tin”.
Mối nguy lan truyền thông tin sai lệch
Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, chuyển sang sử dụng TikTok như một công cụ tìm kiếm và cập nhật tin tức. Justin Shepherd, 41 tuổi, nhân viên bán hàng và người sáng tạo nội dung ở Nashville, đã có hơn 75.000 người theo dõi kể từ khi anh bắt đầu đăng bài về Titan. Anh đã đăng hơn 20 video TikTok và tổ chức ba buổi phát trực tiếp đi sâu vào các chi tiết vụn vặt của việc phát hiện sonar và các nỗ lực cứu hộ của lực lượng cảnh sát biển.
Khi bắt đầu tạo tài khoản TikTok vào năm 2020, anh chủ yếu đăng bài về gia đình mình. Nhưng tài khoản đã thu hút được sự chú ý khi anh ấy bắt đầu đăng về vụ giết người liên quan đến một phụ nữ có tên là Gabby Petito ở Mỹ vào năm 2021. Kể từ đó, anh ấy tập trung vào các video tóm tắt các cuộc điều tra về các sự kiện rùng rợn.
“Rất nhiều người gọi tôi là một thám tử mạng”, anh Justin nói. “Tôi không phải là thám tử gì cả. Tôi nhận tin tức, tôi đọc chúng, tìm ra điều gì là đúng, tìm ra điều gì thú vị và tôi tóm tắt nó theo cách nhanh chóng và dễ hiểu cho mọi người”.
Anh nói rằng mình phải kiểm tra từng mẩu thông tin, xác minh chúng với ít nhất hai nguồn tin tức trước khi đăng. Các video về Titan của anh ấy bao gồm ảnh chụp màn hình các bài báo từ Rolling Stone, TMZ và CNN. Anh cố gắng không đăng những giả thuyết đang lan truyền, mặc dù chúng có thể thu hút nhiều lượt xem hơn.
“Có một số người sáng tạo thực sự tuyệt vời và có uy tín”, anh nói. “Nhưng đồng thời, cũng có những người thích giật tít, cố gắng tung tin đồn hoặc lan truyền thông tin sai lệch chỉ để tăng thêm lượt view”.
Hoàng Tôn (theo NYT, TikTok)