Tuy nhiên, theo PGS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, 18 năm qua, hàng nghìn hội viên Hội Đông y đủ tiêu chí hành nghề nhưng không được cấp giấy chứng nhận lương y. Nguyên nhân, do Thông tư 29 được Bộ Y tế ban hành năm 2015 lấy mốc đủ chứng chỉ học phần trước ngày 30.6.2004 mới được cấp giấy chứng nhận lương y. Hội Đông y Việt Nam hiện có khoảng 10.000 hội viên đủ năng lực để trở thành lương y, nhưng chỉ 20% được cấp phép hành nghề. Như vậy, hàng nghìn hội viên đông y đang phải “hành nghề chui” do quy định nêu trên.
PGS Đậu Xuân Cảnh cũng cho rằng, nhiều người là thế hệ con cháu được cha ông truyền nghề, đủ năng lực hành nghề nhưng không được cấp giấy chứng nhận là lương y, hoặc những người có đủ chứng chỉ học phần sau ngày 30.6.2004 cũng không được chứng nhận lương y. Ông Cảnh cho biết, trước những bất cập vừa nêu, luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sắp có hiệu lực thi hành đã quy định: Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
“Thời gian tới chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 29/2015/TT-BYT theo hướng sẽ cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận là lương y cho những người có đủ điều kiện. Theo đó, những người muốn được cấp mới giấy chứng nhận là lương y thì trước hết phải qua đào tạo và sau khi đã được đào tạo thì phải được đánh giá về năng lực, để không lọt những người năng lực yếu kém vào đội ngũ được phép hành nghề”, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu ý kiến.
Hội Đông y vừa có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ về việc “giao Hội Đông y chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho hội viên trước khi trình cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lương y”.