Hajj là một trong năm trụ cột của Hồi giáo và tất cả người Hồi giáo phải thực hiện nó ít nhất một lần trong đời nếu họ có đủ khả năng về thể chất và tài chính. Đối với những người hành hương, đó là một trải nghiệm tâm linh sâu sắc giúp xóa sạch tội lỗi…
Các nhà chức trách đã đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng lễ Hajj đôi khi vẫn bị ảnh hưởng bởi các thảm kịch không ngờ. Năm 2015, hơn 2.400 người hành hương thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp.
Lịch sử cuộc hành hương Hajj
Cuộc hành hương thu hút người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Xê Út, nơi họ đi theo bước chân của Nhà tiên tri Muhammad và hồi tưởng lại hành trình của Ibrahim và Ismail.
Trong Kinh Qur’an, Ibrahim được kêu gọi hy sinh con trai mình là Ismail để thử thách đức tin, nhưng Chúa trời vẫn ra tay cứu giúp vào giây phút cuối cùng. Ibrahim và Ismail sau này được cho là đã cùng nhau xây dựng Kaaba.
Kaaba ban đầu từng là một trung tâm thờ cúng đa thần của những người Ả Rập ngoại giáo cho đến khi Hồi giáo xuất hiện vào thế kỷ thứ 7, khi Nhà tiên tri Muhammad bắt đầu lễ hành hương Hajj.
Người Hồi giáo không tôn thờ Kaaba nhưng coi đó là nơi linh thiêng nhất của họ và là biểu tượng mạnh mẽ của sự thống nhất. Dù họ ở đâu trên thế giới, người Hồi giáo phải hướng mặt về Kaaba khi cầu nguyện hàng ngày. Lễ hành hương Hajj đã được tổ chức hàng năm kể từ đó, ngay cả khi có chiến tranh, bệnh dịch và những bất ổn khác.
Vào thời Trung cổ, các nhà cai trị Hồi giáo đã tổ chức các đoàn lữ hành lớn với những người hộ tống có vũ trang, khởi hành từ Cairo, Damascus và các thành phố khác. Đó là một hành trình gian khổ qua các sa mạc nơi các bộ lạc Bedouin thực hiện các cuộc tấn công và cướp bóc. Một cuộc đột kích khét tiếng của người Bedouin vào năm 1757 đã quét sạch toàn bộ đoàn hành hương Hajj, giết chết hàng nghìn người.
Vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ả Rập Xê Út đã giới hạn cuộc hành hương cho vài nghìn tín đồ và cư dân địa phương.
Người Hồi giáo chuẩn bị cho Hajj thế nào?
Một số người hành hương dành cả đời để tiết kiệm cho cuộc hành trình. Họ cũng phải chờ đợi nhiều năm trước khi nhận được “giấy phép hành hương”. Giấy phép này được Ả Rập Xê Út phân phối cho các quốc gia dựa trên hệ thống hạn ngạch. Các đại lý du lịch cung cấp các gói dịch vụ và các tổ chức từ thiện cũng hỗ trợ những người hành hương gặp khó khăn.
Những người hành hương bắt đầu bằng cách bước vào trạng thái tinh khiết tâm linh được gọi là “ihram”. Phụ nữ bỏ trang điểm và che tóc, trong khi đàn ông mặc những chiếc áo liền quần. Các bộ quần áo này không được phép có họa tiết, một quy tắc nhằm thúc đẩy sự đoàn kết giữa người giàu và người nghèo.
Những người hành hương bị cấm cắt tóc, cắt móng tay hoặc quan hệ tình dục khi đang ở trạng thái ihram. Họ không được phép tranh cãi hay đánh nhau.
Nhiều người Hồi giáo cũng đến thăm Medina, nơi chôn cất nhà tiên tri Muhammad và nơi ông xây dựng nhà thờ Hồi giáo đầu tiên, trước khi đến Mecca.
Lễ Hajj diễn ra thế nào?
Lễ Hajj bắt đầu với việc những người Hồi giáo đi vòng quanh Kaaba ở Mecca ngược chiều kim đồng hồ bảy lần trong khi đọc kinh. Sau đó, họ đi bộ giữa hai ngọn đồi để tái hiện cảnh Hagar đi tìm nước cho con trai bà, Ismail. Những điều này diễn ra bên trong Nhà thờ Hồi giáo Lớn của Mecca.
Ngày hôm sau, những người hành hương hướng đến Núi Arafat, cách Mecca khoảng 20 km về phía Đông, nơi Nhà tiên tri Muhammad có bài giảng cuối cùng. Tại đây, họ đứng cầu nguyện suốt ngày để xin Chúa trời tha thứ cho tội lỗi của họ.
Vào lúc hoàng hôn, những người hành hương sẽ đi bộ hoặc đi xe buýt đến một khu vực gọi là Muzdalifa. Họ sẽ nhặt những viên sỏi để sử dụng trong nghi lễ ném đá vào ngày hôm sau ở thung lũng Mina, nơi người Hồi giáo tin rằng Ibrahim đã bị những cám dỗ chống lại mệnh lệnh của Chúa trời. Những người hành hương ở lại nhiều đêm ở Mina.
Cuộc hành hương kết thúc bằng việc đi vòng quanh Kaaba lần cuối. Đàn ông thường sẽ cạo đầu và phụ nữ sẽ cắt một lọn tóc, báo hiệu sự đổi mới. Nhiều người tham dự sẽ nhận danh hiệu “hajj” hoặc “hajja”, một vinh dự lớn trong cộng đồng Hồi giáo.
Những ngày cuối cùng của lễ Hajj trùng với lễ hội hiến tế Eid al-Adha, một dịp vui mừng được người Hồi giáo trên khắp thế giới tổ chức để tưởng nhớ sự thử thách đức tin của Ibrahim. Trong ba ngày của lễ hội Eid, người Hồi giáo sẽ giết mổ gia súc và phân phát thịt cho người nghèo.
Quốc Thiên (theo AP)