TP HCMNgười bệnh có tiền sử viêm tụy; gần đây thường đau, chướng bụng; phát hiện khối u nang tụy hơn 18 cm, dịch nang trắng như sữa và nhiều mô hoại tử.
Ông Hồ Bắc (44 tuổi, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) có tiền sử viêm tụy hoại tử, đã điều trị hai năm trước nhưng thường xuyên tái đi tái lại. Ông cho biết, cách đây khoảng một tháng, ông có triệu chứng đau tức bụng, ăn uống kém, bụng chướng to, sờ vào cảm nhận khối u to, cứng. Khi ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám vào cuối tháng 5, TS.BS Phạm Hữu Tùng (Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa) nhận thấy có khối u bất thường nhô cao ở vùng thượng vị (vùng trên rốn), chỉ định làm các xét nghiệm, chụp CT chẩn đoán.
Kết quả cho thấy, bệnh nhân có nang vùng thượng vị kích thước lớn 18,5×17 cm, chiếm gần hết vùng thượng vị. Bác sĩ nghi ngờ đây là một nang giả tụy do biến chứng viêm tụy, gây tụ dịch nhiều ở khu vực này, cần đặt stent dẫn lưu nang vào dạ dày qua siêu âm nội soi.
Tùy vào đánh giá tính chất của dịch qua siêu âm nội soi (trong suốt hay sánh đặc, nhiều mô hoại tử), bác sĩ sẽ chọn loại ống dẫn lưu phù hợp (ống nhựa hay kim loại). Nếu dịch trong suốt, bệnh nhân chỉ cần đặt ống dẫn lưu bằng nhựa cũng có thể dẫn lưu hiệu quả, chi phí rẻ. Còn nếu dịch sánh đặc, lợn cợn nhiều mô hoại tử sẽ lựa chọn stent kim loại và sau đó nội soi lấy mô hoại tử qua lòng stent. Qua siêu âm nội soi cho thấy bệnh nhân có dịch nang lợn cợn và nhiều mô hoại tử bên trong nên được đặt stent kim loại.
Bác sĩ Hữu Tùng chia sẻ, trước đây, điều trị nang giả tụy là can thiệp thủ thuật hoặc phẫu thuật. Can thiệp với nang giả tụy là dẫn lưu nang mà hầu hết là dẫn lưu vào ruột hoặc dạ dày tùy theo vị trí nang. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả đều làm bằng phẫu thuật nội soi. Với tiến bộ của nội soi tiêu hóa, trong trường hợp nang nằm gần dạ dày – tá tràng có thể thực hiện dẫn lưu nang vào trong bằng stent. Dịch dẫn từ nang sẽ được dẫn lưu vào dạ dày và chảy ra theo đường tiêu hóa. Phương pháp này ít xâm lấn, an toàn và ít biến chứng, không để lại sẹo cho người bệnh.
Sau khi đặt stent kim loại, lượng dịch chảy ra rất nhiều, bác sĩ phải dùng máy soi để hút hơn một lít dịch, giảm áp lực cho nang, giảm nguy cơ dịch trào ngược lên gây khó chịu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, dịch vẫn còn nhiều và tiếp tục chảy qua stent vào dạ dày. Bác sĩ lấy dịch này đưa làm sinh hóa để giúp chẩn đoán bản chất của nang. Nếu là nang thật thì bắt buộc phải cắt để điều trị triệt để. Kết quả của bệnh nhân là nang giả tụy.
Cuộc phẫu thuật diễn ra một tiếng. Hậu phẫu, sức khỏe của người bệnh ổn định, không còn triệu chứng đau và chướng bụng, có thể ăn uống trở lại và xuất viện một ngày sau đó.
Bác sĩ Hữu Tùng cho biết, nang giả tụy là một biến chứng muộn của viêm tụy cấp, viêm tuỵ mạn hay chấn thương tụy. Đây là hậu quả của quá trình viêm và hoại tử ở tuyến tụy, thể hiện bằng sự tụ dịch bất thường ở vùng quanh tuỵ, với một vách được tạo bởi mô xơ do viêm mạn. Viêm tụy cấp hoặc chấn thương tụy đều có khả năng dẫn đến nang giả tụy sau 4-6 tuần. Nang giả tụy có kích thước nhỏ 6 cm có khả năng tự khỏi sau điều trị bảo tồn, nếu lớn hơn 6 cm có triệu chứng hoặc biến chứng cần điều trị can thiệp.
Nếu nang có kích thước lớn không được điều trị có nguy cơ nhiễm trùng và tạo áp xe, tạo giả phình mạch và xuất huyết hoặc vỡ ra, gây nhiễm trùng. Khi dịch tụy tràn ra có thể gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên có lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát nang giả tụy có thể hình thành trở lại.
Quyên Phan