Cầm bản danh sách kết quả xét tuyển thẳng mà Hội đồng tuyển sinh lớp 6 Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) vừa công bố, tôi không khỏi bất ngờ khi một lớp tuyển thẳng 35 học sinh thì có tới 24 em được tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên.
Theo đề án tuyển sinh của trường, trong điều kiện số hồ sơ nhiều hơn chỉ tiêu thì sẽ xét theo chứng chỉ năng lực tiếng Anh quốc tế từ cao xuống thấp và xét thêm tiêu chí phụ như tổng điểm khảo sát môn tiếng Việt, Toán cuối năm học lớp 5.
Tương tự, tuyển sinh đầu vào năm học 2023-2024, Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuyển thẳng học sinh có điểm IELTS 5.5 trở lên, điểm TOEFL iBT 65 điểm trở lên. Trường liên cấp Archimedes, Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh IELTS là một trong những phương thức tuyển thẳng… Câu chuyện khiến dư luận băn khoăn bởi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ngày càng được nhiều trường đưa ra để “cân đong đo đếm” năng lực học sinh. Nó trở thành công cụ chính trong cuộc đua xét tuyển vào các trường từ đại học đến phổ thông. Chưa bao giờ nền giáo dục nước nhà lại “thần thánh hóa” chứng chỉ ngoại ngữ đến như vậy.
Tiếng Anh là rất cần thiết và quan trọng, nhưng cũng như bao ngoại ngữ khác, nó chỉ là công cụ. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tiếng Anh là rất cần thiết và quan trọng, nhưng cũng như bao ngoại ngữ khác, nó chỉ là công cụ. Không quốc gia nào lấy ngoại ngữ làm nòng cốt để phát triển khoa học cho đất nước. Muốn phát triển khoa học-xã hội, giáo dục phải bắt đầu từ các môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa hay các môn khoa học xã hội. Đó là nền tảng để đào tạo, phát triển thế hệ các kỹ sư, chuyên gia, nhà kinh tế, văn hóa cho sự phát triển đất nước. Giỏi tiếng Anh là một lợi thế để tiếp thu kiến thức nhân loại nhưng để thu nạp được cũng phải có nền tảng kiến thức cơ bản tốt, hiếm người nào chỉ nhờ giỏi ngoại ngữ mà lại trở thành nhà khoa học.
Nếu để cuộc đua mang tên ngoại ngữ định hướng cho cả xã hội chỉ có học tiếng Anh là con đường tốt nhất thì… nguy to!
Học ngoại ngữ sớm có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh theo xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập, muốn con mình trở thành công dân toàn cầu. Lứa tuổi thiếu niên là “giai đoạn vàng” để phát triển năng lực ngoại ngữ, nhưng “chủ nghĩa thành tích” đã làm sai lệch mục tiêu tốt đẹp đó. Chỉ vì cơ hội học tập tốt hơn, nhiều phụ huynh dồn ép con đi học luyện, học vì điểm số, học cấp tốc… Trong khi bản chất của việc học luyện này không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh.
Trào lưu này cũng phần nào cho thấy sự bất lực của hệ thống giáo dục trong thẩm định năng lực “thực” của học sinh. Trước những học bạ đã được “làm đẹp”, nhiều trường đành dựa vào chứng chỉ quốc tế vì có độ tin cậy hơn. Kết quả khiến cả xã hội chạy từ thành tích này sang thành tích kia, tốn kém vô số tiền, trong khi người hưởng lợi từ việc đó là một số tổ chức luyện thi IELTS.
Từ thực tế này đòi hỏi ngành giáo dục phải mạnh tay hơn, minh bạch hơn trong thi cử, đánh giá học sinh để có những người thực học, thực tài. Cùng với đó là sự thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh. Tiếng Anh là quan trọng nhưng không phải tất cả. Với học sinh tiểu học, THCS, bố mẹ cần giúp con có được sự hài hòa giữa các môn học, trong đó khuyến khích con học các môn khoa học cơ bản thật tốt. Kiểu học lệch chỉ khiến việc học trở thành gánh nặng cho học sinh khi cứ phải “kiễng chân” căng thẳng, mệt mỏi trong những cuộc đua quá sức với lứa tuổi các em.
THÁI AN