Thủ khoa cũng bị… bạo lực mạng
Trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, sau khi viết 21 trang giấy làm bài thi Văn lớp 10, N.T.B.M (học sinh lớp 9A, Trường THCS Phan Huy Chú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) xuất sắc trở thành tân thủ khoa đầu vào môn Văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với số điểm là 53,5 (trong đó, Toán đạt 8,5 điểm; Văn 9,75 điểm; tiếng Anh 8,25 điểm và điểm môn chuyên là 9).
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin nữ sinh viết 21 trang giấy đã nổ ra tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ, khen ngợi và “xin vía” điểm cao của nữ sinh này.
Nhưng không ít luồng ý kiến khác cho rằng 150 phút viết 21 trang giấy là không đủ thời gian để viết đúng, viết hay. Các ý kiến khác đều đồng thuận, bài viết của nữ sinh là lời văn “xáo rỗng và bốc phét”.
Sự phán xét biến thành “bạo lực mạng” khi bài viết của một vị tiến sĩ lớn tuổi là giảng viên đại học về bài thi 21 trang nhắm vào nữ sinh đậu thủ khoa đã dấy lên làn sóng công kích trên mạng xã hội.
Trong bài viết đăng tải, vị tiến sĩ này đưa ra nhận định bài văn 21 trang được viết “nhanh như một cái máy chạy chữ tự động”. Người này còn dùng nhiều ngôn từ, suy đoán xúc phạm nữ sinh này như “không có não”, “cái tay nhanh hơn cái não”, “ra đời bốc phét”… đăng kèm hình ảnh cô bé.
Đáng chú ý, bài viết này khi được đăng tải công khai trên mạng xã hội đã nhận được hàng ngàn lượt like, bình luận mang tính xỉa xói, chê bai, tấn công cá nhân nữ sinh 15 tuổi lại nhận được nhiều hưởng ứng, cỗ vũ và cả “góp vui” bằng nhiều lời lẽ, bình phẩm. Trong đó có những người lớn tuổi cũng tham gia “phê bình” văn học.
“Việc tấn công một đứa trẻ trên mạng xã hội là hành vi đáng lên án”
Thầy Trần Quang Đại – giáo viên Trường PTTH Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bày tỏ sự bức xúc với việc tấn công một học sinh trên mạng xã hội.
“Cá nhân tôi cho rằng đây là một học sinh rất giỏi, các giám khảo khi hạ bút cho đến điểm gần như tuyệt đối cho một bài văn nghĩa là họ đã rất cân nhắc và thận trọng, đủ căn cứ để cho số điểm trên.
Phải nhìn nhận thực tế, hiện nay nhiều học sinh có lối tư duy, diễn đạt sâu sắc và nhạy bén, sáng tạo hơn thầy cô dù tuổi còn rất nhỏ nên việc xuất hiện điểm 10 trong bài thi Văn là một điều bình thường và cũng rất đáng mừng” – thầy Trần Quang Đại chia sẻ.
Cô Lê Thị Ngà, giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn tại Thanh Hóa cho biết, trong sự nghiệp trồng người của mình đã chấm qua không ít các bài thi từ điểm 9 trở lên. Đây thuộc các bài thi có khả năng tư duy tốt, sáng tạo, có sự khác biệt và đầy cảm xúc.
“Viết văn ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đủ ý là rất giỏi nhưng viết dài, không trùng lặp ý, diễn đạt trôi chảy đâu ra đấy thì còn giỏi hơn. Không có bất kỳ một quy định nào yêu cầu văn phải viết dài mới được điểm cao. Điều quan trọng là giáo viên chấm thi đã thấy được khả năng hành văn.
Chỉ những người đã đọc bài viết của thí sinh mới có quyền thẩm định. Đọc thì mới biết nó hay dở ở chỗ nào. Một học sinh đạt điểm cao không xứng đáng bị lôi vào cuộc chiến chửi rủa, lăng mạ thô bạo của cộng đồng mạng” – cô Ngà chia sẻ.
Được biết, nữ sinh N.T.B.M từng giành được nhiều giải thưởng, thành tích về các cuộc thi văn học.
Năm lớp 4, nữ sinh đạt giải Nhất cuộc thi Văn hay chữ đẹp do trường tổ chức. Lớp 5 giành được giải Nhất cuộc thi này ở cấp huyện. Tháng 7/2022, nữ sinh tham gia Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2022 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này tổ chức.
Tháng 5/2023, B.M vinh dự được bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh tặng giấy khen giành giải Nhất môn Văn trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 năm học 2022-2023.
Nguyễn Linh