Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Tấn Tài xung quanh tác phẩm đặc sắc này.
Nhớ về giai đoạn đen tối nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng
+ Đâu là lý do để anh và ê-kíp làm nên chương trình đầy ý nghĩa nhân dịp tròn một năm TP.HCM trở lại nhịp sống bình thường, với tên gọi “Ngày gặp lại”?
– Ý tưởng triển khai chương trình trước hết từ sự chỉ đạo của Ban Tổng giám đốc HTV, Ban Giám đốc Trung tâm Tin tức. Trong mỗi giai đoạn quan trọng gắn với các diễn biến thời sự cuộc sống, HTV luôn có những chương trình ý nghĩa. Một năm sau ngày TP.HCM “mở cửa”, cột mốc nghe thật ngắn ngủi nhưng chứa đựng những biến cố tưởng chừng không thể hình dung. Ký ức về những tháng ngày gian truân vẫn còn đó như những vết thương chỉ vừa kịp liền da, nhắc ta nhớ về một giai đoạn đen tối nhưng chưa bao giờ tắt hy vọng.
Một năm thăng trầm để rồi những gì đọng lại đã khắc họa nên câu chuyện của “Ngày gặp lại”, cuộc hạnh ngộ của ký ức và niềm tin về một thành phố vững vàng tiến về phía trước. Một cuộc hội ngộ trên sóng truyền hình đã được lên ý tưởng và triển khai. Hẳn nhiên cái tên “Ngày gặp lại” – với sự mộc mạc, giản đơn nhưng chất chứa đầy ý nghĩa cho chương trình. Vậy là chương trình ra đời, tạo hiệu ứng mạnh và lay động cảm xúc của người dự trực tiếp tại trường quay và khán giả truyền hình.
+ Để thực hiện một chương trình chỉnh chu, ấn tượng từ hình ảnh đến nội dung, hẳn “Ngày gặp lại” là sự chung tay, góp sức của đội ngũ HTV đầy tâm huyết, thưa anh?
– Ê-kíp thực hiện chương trình gồm 3 biên tập chịu trách nhiệm xây dựng đường dây, nhóm 5 phóng viên chia nhiều mặt trận thực hiện clip ở các hiện trường, cùng bộ phận hậu kỳ cũng là những nhân sự trẻ. Đó là còn chưa kể những nhân sự đặc thù của truyền hình như: đạo diễn, kỹ thuật, thiết kế, sân khấu, âm thanh, ánh sáng…
Chương trình được lên ý tưởng ngay từ đầu năm 2022, triển khai sản xuất tháng 9 và lên sóng đúng thời điểm tròn 1 năm sau ngày TP.HCM trở lại nhịp sống bình thường. Về khó khăn, áp lực lớn nhất của chúng tôi là phải tạo được cảm xúc không chỉ cho người trong cuộc mà còn phải lay động khán giả truyền hình.
+ Tọa đàm “Ngày gặp lại” là bức tranh đa sắc màu được tạo nên từ những mảnh ghép ký ức khác nhau của từng nhân vật. Việc tìm ra những mảnh ghép “vàng” này là điều không hề dễ dàng, thưa anh?
– Tìm kiếm chất liệu cho một chương trình là điều vô cùng khó khăn và cũng quyết định sự thành công của chương trình đó. Với một đại dịch như COVID-19, việc tìm kiếm chất liệu tưởng dễ nhưng lại khó vô cùng. Vì đó là một đại dịch chưa có tiền lệ. Nhưng ê-kíp may mắn khi tìm thấy những chất liệu quý. Đơn cử, được mệnh danh là “Người lưu giữ ký ức của Sài Gòn”, hơn 30 năm qua, anh Huỳnh Minh Hiệp vẫn luôn từng ngày gom nhặt những hiện vật liên quan đến thành phố mang tên Bác.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Hiệp nói rằng: “Những hiện vật của thành phố trước kia tôi đã sưu tập rất nhiều. Khi thành phố có dịch, tôi hiểu những điều thảm khốc này sẽ không thể nào quay lại lần nữa, chỉ đến một lần thôi nên tôi nghĩ mình phải tiếp tục gìn giữ một cái gì đó cho đất nước. Tôi đã quyết định đi tìm kiếm những hiện vật liên quan tới COVID-19 trong năm 2021”.
Những hiện vật như giấy đi đường, phiếu đi chợ, các loại giấy tờ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch không chỉ của TP.HCM, mà của rất nhiều địa phương trên cả nước do nhà sưu tầm Huỳnh Minh Hiệp tìm kiếm và lưu giữ đến thời điểm này đã có hơn 2.000 hiện vật.
Ngày gặp lại, sau một năm kể từ ngày thành phố mở cửa, những hiện vật ấy giờ đây đã mang những giá trị nhất định, trở thành những câu chuyện tô điểm cho ký ức chung của thành phố. Hay, một câu chuyện cảm động khác đến từ lực lượng mang trên mình chiếc blouse trắng, chi viện cho thành phố trong những tháng ngày “dã chiến” đến từ chị Nguyễn Thuỳ Dung.
Vào thời kỳ thành phố căng mình chống dịch, chị Dung đã xung phong vào đoàn chi viện cho TP.HCM của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, trở thành lực lượng tuyến đầu đồng hành cùng thành phố đến khi mở cửa.
Tại “Ngày gặp lại”, chị xúc động chia sẻ: “Năm ngoái, lúc mình vào thành phố công tác thì thành phố gần như là một thành phố ngủ, bị cô lập và rất buồn. Nhưng bây giờ sau một năm quay lại, mình thật sự rất bất ngờ và xúc động. Thành phố nay đã lấy lại vẻ nhộn nhịp giống như những gì trước kia mình được nghe nói về TP.HCM”.
Tại “Ngày gặp lại”, người dân TP.HCM không chỉ được nhìn lại những hiện vật trong mùa dịch, mà còn được lắng nghe câu chuyện đặc biệt từ một nhà máy sản xuất oxy – Nhà máy A41 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng quân trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM. Nhà máy có nhiệm vụ sửa chữa máy bay vận tải quân sự, máy bay huấn luyện, xe máy đặc chủng và các thiết bị kỹ thuật hàng không khác. Nhiều câu chuyện cảm xúc và đúng nghĩa là cuộc hạnh ngộ trên sóng truyền đã được chúng tôi xây dựng và triển khai. Chương trình còn thu hút bởi có những câu chuyện lần đầu được kể.
Thông điệp về sự trân quý “màu xanh bình yên”
+ Anh có nghĩ rằng, so với các thể loại khác, truyền hình dễ dàng tái hiện sống động những khoảnh khắc lịch sử qua lời kể của người trong cuộc?
– Những nhân vật của ngày gặp lại là một phần rất nhỏ của một giai đoạn cam go trong phòng chống dịch, nhưng đó là những lát cắt tiêu biểu nhất. Chính trong mỗi nhân vật, những câu chuyện chân thực được kể lại, đó cũng là những cảm xúc mạnh nhất chạm tới khán giả truyền hình.
Ê-kíp sản xuất “Ngày gặp lại” thật sự may mắn khi trong một thời gian ngắn nhưng đã tập hợp được gần như đầy đủ các nhân lực. Tất nhiên đó cũng là những nhân vật mang tính đại diện, nhưng ít ra khi xem tác phẩm, khán giả truyền hình và có thể là nhiều thế hệ sau sẽ có những hình dung chân thật nhất về “cuộc chiến với kẻ thù vô hình” này. Cuộc hội ngộ trong “Ngày gặp lại” có một giá trị lớn hơn đó là thông điệp về sự trân quý những giá trị của màu xanh bình yên.
+ Chương trình này không chỉ lưu lại những khoảnh khắc lịch sử, đặc biệt của ngành y tế, mà còn là lời khẳng định về những giá trị bền vững mà chính quyền và người dân TP.HCM đã xây dựng trong suốt thời gian qua, thưa anh?
– Tôi tin chắc rằng không chỉ trong “Ngày gặp lại” mà trong muôn vàn những góc nhỏ của cuộc sống hôm nay, hay trong tâm tưởng và ký ức của mỗi người sẽ còn rất nhiều câu chuyện đẹp. Đó chính là sợi chỉ đỏ của niềm tin để làm nên chiến thắng. Vậy nên, những người làm truyền hình mong muốn, tác phẩm như một “cột mốc” ghi lại hành trình trong những tháng ngày chống dịch. Và xa hơn, cột mốc này rất cần được khắc ghi, vì đó là giá trị của sự đoàn kết, của nỗ lực vì niềm tin chiến thắng.
+ Xin cảm ơn anh!
Kỳ Hoa (Thực hiện)