STO – Sóc Trăng có diện tích rừng gần 10.300ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển khoảng 6.815ha. Rừng tập trung chủ yếu tại các địa phương: Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Với diện tích rừng lớn, ngoài công tác quản lý, bảo vệ rừng của các ngành chuyên môn thì các tổ quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương cũng đã góp phần rất quan trọng trong việc chăm sóc, phát triển diện tích rừng.
Sóc Trăng hiện có 19 tổ quản lý, bảo vệ rừng tại 11 xã, phường, thị trấn, với tổng số là 209 thành viên tham gia. Tổ quản lý, bảo vệ rừng không chỉ là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm tỉnh trong công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển mà từng thành viên trong tổ còn là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật liên quan về lĩnh vực lâm nghiệp đến người dân sống ở khu vực ven rừng. Nhờ vậy nhiều năm qua, tình trạng phá rừng hay lấn chiếm đất rừng không còn xảy ra, đa dạng sinh học của rừng được bảo vệ và ngày càng phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến việc trồng mới rừng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: THÚY LIỄU
Sinh ra và lên lớn ở xứ biển Vĩnh Châu, ông Lâm Đa Rít là thành viên Tổ Quản lý, bảo vệ rừng xã Lai Hòa tâm niệm: “Sống gần đê biển, tôi nhiều lần chứng kiến tình trạng sạt lở, mỗi khi sóng biển dâng cao và đánh trực tiếp vào thân đê, nhất là thời điểm mùa gió chướng. Tác động tiêu cực từ thiên tai đã giúp tôi nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của rừng phòng hộ đối với đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của người dân vùng ven biển. Do vậy, tôi đã tình nguyện xin tham gia vào tổ quản lý, bảo vệ rừng. Công việc của tôi là tham gia trồng mới rừng, khi có các hoạt động trồng cây gây rừng hay các chương trình, dự án trồng rừng triển khai tại địa phương. Tôi còn thường xuyên tham gia các cuộc tuần tra các cánh rừng để sớm phát hiện các trường hợp vào rừng khi chưa được sự cho phép của ngành chuyên môn để nhắc nhở; khảo sát diện tích rừng nhằm đảm bảo việc phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả. Qua các chuyến vào rừng, nếu có cây rừng bị yếu thì tìm cách chỉnh sửa, vun xới đất cho cây cố định, sinh trưởng tốt”. Theo lời ông Đa Rít, trước đây ba ông cũng là thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng và ông là thế hệ thứ 2 tham gia vào tổ tại địa phương, nhằm góp công sức của mình luôn giữ màu xanh tốt cho rừng.
Đồng chí Nguyễn Tấn Nam – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Để tạo động lực cho thành viên tham gia tổ quản lý, bảo vệ rừng, trong các năm qua, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên thăm hỏi và rất quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của các thành viên, kịp thời hỗ trợ thành viên khi họ gặp khó khăn. Từ đó, hầu hết thành viên trong tổ đều rất nhiệt tình tham gia bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển”.
Theo thông tin từ lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, hầu hết các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu là dân tộc Khmer, đời sống kinh tế gắn liền với nghề đi biển. Nhằm tạo điều kiện cải thiện thu nhập, cho các thành viên tổ để bà con an tâm gắn bó hơn với rừng, Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, triển khai nhiều mô hình phát triển sinh kế hiệu quả như: mô hình nuôi vọp, ốc len… dưới tán rừng tại xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung đến các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng. Hỗ trợ kinh phí đầu tư các mô hình: trồng rau màu an toàn trong nhà lưới, nuôi ếch thương phẩm… tại khu vực phường 1, thị xã Vĩnh Châu. Các mô hình trên vừa tạo sinh kế cho thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng và người dân tham gia giữ rừng, vừa bảo vệ tốt diện tích rừng và các loài thủy sản tự nhiên dưới tán rừng.
Ông Lâm Đa Rít (người đang dùng cây xới đất, để trồng cây rừng ven đê biển), xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu là thành viên Tổ Quản lý rừng xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) rất tích cực trong việc tham gia vào công tác trồng mới diện tích rừng và bảo vệ rừng. Ảnh: THÚY LIỄU
Đồng chí Phan Thị Trúc Giang – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng nhìn nhận: “Hầu hết các thành viên trong tổ quản lý, bảo vệ rừng rất tích cực trong công tác trồng rừng tại các địa phương. Khi rừng được trồng mới từ 3 – 5 ngày, các thành viên trong tổ rất cẩn thận trong khâu chăm sóc, kiểm tra, trồng dặm lại, nếu cây bị chết hoặc bị sóng đánh trôi dạt. Nhờ vậy, diện tích rừng luôn đảm bảo, nhất là đai rừng phòng hộ của tỉnh nhà phát triển tốt. Trong thời gian tới, để giúp thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng và bà con sống ven rừng có cuộc sống tốt hơn để gắn bó dài lâu với rừng, với ngành lâm nghiệp, đơn vị sẽ tranh thủ từ các chương trình, dự án đầu tư các mô hình sinh kế dưới tán rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng”.
Tác động của các đợt sóng biển, giông bão khiến đai rừng phòng hộ tại Sóc Trăng ngày càng mỏng dần, đe dọa đến hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển. Nhưng với sự tận tâm của từng thành viên từ các tổ quản lý, bảo vệ rừng cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển sinh kế do Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng đã và đang triển khai, sẽ góp phần phát huy vai trò chủ thể của các thành viên tổ quản lý, bảo vệ rừng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển của tỉnh, chắn sóng, bảo vệ đê biển, ngăn mặn xâm nhập vào đất liền và đảm bảo được thành quả lao động sản xuất của người dân sinh sống tại các vùng ven biển trên địa bàn tỉnh.
THÚY LIỄU