(ĐS 21/6) – Ông Dân loay hoay với mấy cái túi xách, đồ đạc trong túi hết lôi ra lại bỏ vào. Mồ hôi nhễ nhại, ông lấy khăn lau mặt rồi ra vườn tìm chút gió.
Tiếng chim chào mào hót vang sau đồi cây, tiếng chim chích chòe hòa giọng, những âm thanh quen thuộc lại khiến ông bùi ngùi. Rồi sẽ xa nơi này thôi, chỉ còn một đêm nữa thôi! Mới đó mà cũng hơn mười năm gắn bó với nơi này, một mé rừng nhưng bạt ngàn cây xanh thẳm và tiếng chim trong veo.
Khi nghỉ hưu, ông Dân bỏ quê về đây lập nghiệp. Nói lập nghiệp cho có chút thời sự, thực ra ông tìm về ký ức tìm về kỷ niệm, nơi ông đã từng chết đi rồi sống lại. Là phóng viên chiến trường, theo đoàn quân băng qua cánh rừng này, trong một cuộc giao tranh ác liệt, ông bị một mảnh pháo găm vào ngực.
Đoàn quân vẫn phải đi, còn ông ôm ngực máu quằn quại giữa rừng sâu. Trong giây phút chực chờ cái chết, ông lại được dân làng nơi đây cứu sống. Khi tỉnh dậy ông thấy mình nằm trong ngôi nhà gỗ của cha con già Mây.
Cô gái tuổi đôi mươi, đôi mắt to và sáng lúc nào cũng chực cười. Gần một tháng được chữa trị bằng cây thuốc đậm hương rừng, được ăn thức ăn của rừng, được chăm sóc tận tình của những người ở rừng, ông đã thoát chết.
– Sắp có đoàn quân qua đây, già sẽ đưa cậu đi theo họ.
Chia tay cha con già Mây một buổi sáng đầy ắp nắng hồng và rộn rã tiếng chim vui, nhưng sao lòng cứ mù mờ không tả được.
– Cậu quê quán nơi nào?
– Con dân biển, biển Xoáy gần cửa An, hòa bình rồi con nhất định sẽ lên đây đón già và Mến về quê con chơi!
Ngay khi chiến tranh còn ác liệt, trong một lần theo đơn vị, ông đã trở lại nơi này, những ngôi nhà gỗ đã bị bom vùi dập, gãy đổ, cháy rụi chưa thu dọn. Dân làng không còn ai, nghe đâu tất cả không sống sót. Chẳng biết tung tích cha con Mến giờ ra sao, thẫn thờ, ông lại tự hứa với lòng sẽ trở lại nơi này tìm Mến!
Sau ngày kết thúc chiến tranh, với bản lĩnh của một phóng viên chiến trường, ông được giao những công việc gai góc hơn. Nhiệm vụ mới kéo ông đi khắp mọi miền Tổ quốc, từ những bãi khai thác vàng trái phép, đến những khu rừng bị lâm tặc tàn phá, từ những chuyến theo chân đoàn quân truy bắt tội phạm buôn bán ma túy ở biên giới đến những chuyến lênh đênh trên biển nhiều ngày…
Dù đi bất cứ nơi đâu ông không bao giờ quên cánh rừng ngày ấy, đau đáu lòng tri ân và nỗi nhớ về những con người đã cứu mạng ông. Nhận tờ giấy nghỉ hưu, ông xách chiếc ba lô với đôi bộ quần áo tìm đến rừng. Anh cán bộ xã trẻ măng nhìn ông dò xét.
– Anh muốn cư trú nơi này sao?
– Tôi muốn dựng lại ngôi nhà gỗ ở mé rừng và sống ở đó, ngày xưa họ đã cứu mạng tôi, bây giờ tôi phải ở đó, lập một bàn thờ để hương khói, để nhớ về họ!
– Nhưng, họ là ai, sao tôi không nghe nói đến bao giờ. Để tôi hội ý lãnh đạo rồi trả lời anh sau!
Họ là ai? Lớp hậu sinh không biết về họ, nhiều người không biết về họ, nhưng ông thì không bao giờ quên được, nhất là Mến, nụ cười ánh mắt của cô gái rừng ngày ấy đã chiếm trọn khoảng hồn ông.
Ngôi nhà gỗ mái lá được dựng lên trên nền một quả đồi nhỏ trồng toàn cây bạch đàn. Bên trong vừa vặn một chiếc bàn và một chiếc giường nhỏ. Cửa quay về hướng biển, đón ánh mặt trời buổi sáng, bên cạnh con đường nhỏ ra ngõ là hai ngôi mộ đất do chính ông vun đắp và chiếc võng mắc hai đầu cây bạch đàn. Những lúc vui buồn ông thường ra đây chuyện trò cùng những linh hồn mà ông yêu quý, những con người đã cứu mạng ông, để ông còn có ngày hôm nay.
Rồi cái “ông Dân lẩm cẩm” được dân làng biết đến như một siêu nhân thời số hóa. Ông Dân giỏi lắm, cái gì cũng biết. Ông già đa năng đa tài, việc gì cũng làm được. Dân làng đồn ầm lên thế.
Bày biểu cho dân làng những kiến thức khoa học trong cuộc sống đời thường từ cách ăn cách mặc đến cách giao tiếp. Đọc cho dân làng nghe những bài thơ mới sáng tác, cho dân làng xem những hình ảnh của rừng mà ông quay ông chụp được.
Họ tìm đến ông nhờ vả những chuyện không đâu vào đâu như coi ngày tốt, dự báo thời tiết, cả chuyện tình cảm riêng tư nữa… Cuộc sống của ông vốn không nhàm chán vô vị như nhiều người nghĩ, càng không cô độc vì đã có những bạn tâm giao.
– Ông Dân có nhà không?
– Có! Ai đó xin mời vào!
Người khách chẳng ai xa lạ, là ông Nay, già hơn ông cũng khá tuổi, nhưng trông còn cường tráng lắm, vẫn ông ông tôi tôi chẳng phân thứ bậc.
– Dân làng này quý mến ông, nhưng tôi không ghen tị, ông xứng đáng được như thế!
Ông Dân biết ông Nay thích trà đậm, thích nghe ông đọc thơ, liền đi vào bếp đun nước.
– Bày vẽ làm chi, ngồi đây nói chuyện!
Đưa mắt ra cửa, ông Nay tiếp chuyện.
– Hai ngôi mộ gió bữa ni cỏ lên xanh mướt hỉ?
Ông Dân nghe nhắc đến hai ngôi mộ liền chững lại, mặt buồn buồn.
– Dạ!
– Có chuyện này muốn nói với ông lâu rồi nhưng muốn giữ chân ông ở lại với dân làng nên cứ đắn đo mãi.
Ông Dân biết có chuyện quan trọng nên không thể yên lặng mãi.
– Ông cứ nói, khi nào dân làng này đuổi tôi mới đi, tôi hứa!
Vẫn nhìn hai ngôi mộ, ông Nay thở dài.
– Họ không phải là cha con!
Ông Dân trố mắt nhìn.
– Là sao?
– Cũng không phải là dân nơi đây! Họ được tổ chức bố trí hoạt động ở mé rừng này để nắm bắt tình hình địch, đưa đón hai đợt hành quân lớn, xong việc họ lại ra đi.
– Vậy là họ không bị bom đạn vùi dập như tôi tưởng! Bây giờ họ ở đâu, còn sống hay đã chết?
– Tôi cũng như ông làm sao biết được. Không chừng họ đang sống vui vẻ ở một thành phố nào đó.
Sau lần đó, ông định bỏ rừng về biển, bởi trong ông biển là quê cha đất tổ sao mà không thương không nhớ. Biển mùa đông vắng hoe, những con sóng nối nhau vỗ nhẹ vào bờ, trên bãi cát dưới hàng dừa, những chiếc thuyền thúng lật úp đặt kề những chiếc ghe nhỏ, những hình ảnh thân thuộc ngày nào.
Thuở nhỏ mỗi ngày ông chạy ra biển nhiều lần, hít thật sâu tận hưởng mùi quê mặn nồng ngai ngái. Bàn chân trần chạm cát ướt cảm giác thật dễ chịu. Giấu nỗi niềm với biển, ông vẫn ở lại rừng, không chỉ vì lời hứa với ông Nay mà vì tình yêu dành cho rừng trong ông vẫn ăm ắp tràn đầy, cho đến một ngày… ông ngã quỵ vì những cơn đau kéo dài. Dân làng khuyên ông không nên sống một mình lỡ đêm hôm đổ bệnh thì khổ. Ông Nay, người bạn già, cũng thẳng thừng “đuổi ông”.
– Ông phải về xuôi, khi nào khỏe lại lên rừng thăm bà con, đọc thơ cho tôi nghe, còn bây giờ nhất định ông phải về quê!
Ông nghe lời dân làng, chỉ còn một đêm nay nữa thôi, ngày mai xa rừng, nhớ lắm rừng ơi…
Tiếng chim cứ ríu ra ríu rít, gió cứ rì rào trên đồi bạch đàn, hương rừng từ bên kia xanh thẳm hay từ trong tâm tưởng của ông bay về thơm ngát, ông thả lưng trên chiếc võng, tận hưởng lần sau cuối những hương rừng.