1. Những năm gần đây, khách quốc tế đến Việt Nam không ít. Nhưng có một vị khách mà nhiều người không thể quên. Đó là anh Nick Vujicic, một người khuyết tật, không có cả hai tay, hai chân. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 27-5-2013.
Là người Úc gốc Serbia, từ khi sinh ra (năm 1982), bị hội chứng tetra-amelia, Nick đã không có cả hai chi trên và dưới. Sống trong tình trạng bi đát ấy, đã có lúc Nick có ý định tự tử, nhưng rồi cuối cùng anh đã quyết định đối mặt với số phận không may của mình.
Trước hết, Nick cố gắng tập luyện những kỹ năng đời thường để sống một cuộc đời đầy đủ mà không có tứ chi. Nick tập viết, tập sử dụng máy vi tính. Nick tham gia chơi golf, bơi và với sự trợ giúp của bạn, anh có thể tham gia nhảy dù. Tốt nghiệp đại học, ít lâu sau, Nick đã trở thành một diễn thuyết gia nổi tiếng trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới về đề tài làm chủ cuộc sống. Được khán giả Việt Nam chào đón nồng nhiệt, Nick đã truyền động lực sống tới mọi người. Nick là biểu tượng cho tinh thần không chấp nhận số phận, vượt qua hoàn cảnh bất khả kháng không may của con người!
2. Việt Nam có nhiều bạn như Nick không? Có! Có nhiều là khác. Đó là bé Linh Chi ở thành phố Yên Bái, cũng là người khuyết tật nặng như Nick, cũng một nghị lực phi thường như Nick, bé đã đến giao lưu với Nick ngày Nick đến Việt Nam. Đó là cháu Bảo Khanh chỉ có một cánh tay rưỡi mà biết đánh đàn piano, chơi bóng rổ, vẽ, viết chữ rất đẹp và đã sáng tác một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Đó là cháu Lê Thị Thắm ở xã Đồng Thịnh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa chào đời không có cả hai cánh tay. Vậy mà người khác làm được việc gì thì Thắm làm được việc nấy. Thắm tự lo liệu mọi sinh hoạt cá nhân của mình, như chải đầu, ăn uống, tắm giặt. Thắm còn có thể dùng chân xâu kim chỉ và thêu rất đẹp. Thắm đã giành giải viết chữ đẹp cấp tỉnh và đỗ vào Khoa Sư phạm tiếng Anh của Đại học Hồng Đức. Đó là chàng trai Trần Hồng Giang ở xã Nghĩa Hùng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định lúc lên 5 tuổi bị người anh nghịch ngợm dùng súng của bố bắn vào cổ làm em liệt cả hai chân và hai tay, phải nằm một chỗ, nhưng Giang vẫn tốt nghiệp THPT và có bằng C tiếng Anh, sử dụng thành thạo máy vi tính chỉ bằng nửa chiếc đũa ngậm vào miệng và dùng má đẩy con chuột máy tính.
3. Nói đến những tấm gương vượt qua số phận và hoàn cảnh nghiệt ngã không thể không nói đến các thương bệnh binh, những con người tàn nhưng không phế của đất nước ta.
Dưới đây chỉ là một trong những tấm gương cao quý đó mà tôi tình cờ biết được. Đó là anh thương binh khuyết thị Đỗ Đình Khoa trên quê hương Nam Đàn – Nghệ An. Năm 1964, anh 22 tuổi, đang học năm cuối trường cấp 3 thì chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Gác lại ước mơ trở thành thầy giáo dạy Toán, anh Khoa viết tâm thư tình nguyện nhập ngũ. Trận bom cuối năm 1968 của địch đã cướp đi đôi mắt của anh. Năm 1973, anh trở về địa phương, những tưởng giờ đây chỉ còn có thể yên phận ở nhà giữ con và trông nhà cho vợ đi làm. Không! Không có chuyện đó. Không mảy may nghĩ tới chuyện đó! Anh xin Cục Chính trị Quân khu IV một chiếc radio. Ngày đêm anh lần mò tự học chữ nổi Brai để viết văn bản. Kết quả dựa vào chiếc đài bán dẫn anh đã thành lập được một đội tuyên truyền lưu động trong xã và huyện. Tuy nhiên, đội hình thành có người hát mà không có ai biết đánh đàn. Thế là anh mượn một số nhạc cụ, ban ngày một tay ôm con, một tay tập gõ từng nốt nhạc. Sau hơn một năm, anh đã thành thạo guitar, kèn ác-mô-ni-ca, măng-đô-lin và bộ trống gõ. Văn nghệ đã thổi hồn vào các phong trào thi đua sản xuất của xã, huyện.
Còn chuyện gì nữa có thể kể về người thương binh mù này. Còn! Một lần, anh Khoa sang nhà hàng xóm uống nước, vô tình nghe được hai em nhỏ đang trao đổi với nhau về một bài toán hình học. Tranh luận mãi mà không em nào chịu em nào. Ký ức bừng sáng, anh nói các em vẽ hình ra giữa sân và sau đó, giảng giải đâu ra đấy trước sự cảm phục của hai em. Tiếng lành đồn xa. Từ đó, các lớp học được mở ra, có lớp đông tới 200 em, do thầy giáo Khoa tổ chức đã hình thành. Hỏi, không nhìn thấy, thầy dạy dỗ thế nào? Anh Khoa đáp: “Ở mỗi lớp, tôi chọn một học trò khá nhất làm trợ giảng. Em đó có nhiệm vụ đọc đề và giúp tôi viết công thức và vẽ hình lên bảng. Quan trọng là nghe em trợ giảng đọc đề xong, thì những kiến thức toán học được học ngày xưa lập tức sống lại trong trí nhớ của tôi. Và thế là tôi định hình xong phương pháp và cách giải nhanh nhất”.
Đỗ Đình Khoa, người tự đào tạo mình thành một nghệ sĩ dân gian, người thầy giáo khuyết thị, đã cùng cả triệu tấm gương vượt qua hoàn cảnh, không những tự lập một cuộc sống không phiền hà, ỷ lại vào ai mà còn tiếp tục dâng hiến tài sức cho lợi ích của cộng đồng.