Số liệu ước tính mới dự đoán số trường hợp mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng từ 529 triệu người năm 2021 lên hơn 1,3 tỉ người năm 2050. Không có quốc gia nào dự kiến sẽ giảm được tỷ lệ mắc chứng bệnh này trong vòng 30 năm tới. Đây là kết quả được dự báo trên các chuyên san The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology.
Giới chuyên gia gọi dữ liệu là đáng báo động, với bệnh tiểu đường giờ vượt xa đa số các căn bệnh khác trên bình diện toàn cầu và mang đến mối đe dọa đáng kể cho con người và hệ thống y tế các nước.
“Tiểu đường tiếp tục là một trong những mối đe dọa y tế công cộng lớn nhất trong thời đại chúng ta và dự kiến sẽ tăng mạnh trong 3 thập niên tại mỗi quốc gia, nhóm tuổi, giới tính”, báo The Guardian dẫn lời bác sĩ Shivani Agarwal của Hệ thống Y tế Montefiore và Trường Y Albert Einstein ở bang New York (Mỹ).
Trong một báo cáo khác, Liên Hiệp Quốc dự đoán dân số thế giới sẽ đạt 9,8 tỉ người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là cứ 7 hoặc 8 người khi ấy lại có một người sẽ sống chung với chứng tiểu đường.
Các tác giả báo cáo về tiểu đường cho biết tiểu đường tuýp 2, vốn chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các ca bệnh, phần lớn đều có thể ngăn chặn được và ở một số trường hợp có thể đảo ngược nếu phát hiện và can thiệp sớm. Tuy nhiên, toàn bộ các chứng cứ thu được đều cho thấy số ca tiểu đường tiếp tục tăng trên toàn cầu, chủ yếu do tình trạng béo phì gia tăng do nhiều yếu tố khác nhau.
Bệnh nhân tiểu đường kể về thứ thuốc ‘suýt gây mất mạng’
Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt chủng tộc đối với các nhóm thiểu số và sự bất bình đẳng về địa lý đang đẩy mạnh tốc độ mắc tiểu đường, bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới. Chẳng hạn, những người đến từ các cộng đồng sống ngoài lề xã hội ít cơ hội tiếp cận thuốc men như insulin, và không có điều kiện kiểm soát tốt đường huyết.
Đại dịch Covid-19 đã làm tăng mạnh tình trạng bất bình đẳng về tiểu đường trên toàn cầu. Người mắc chứng tiểu đường nhiều khả năng mắc bệnh nặng khi nhiễm Covid-19 và xác suất tử vong cũng cao hơn so với những người mắc Covid-19 mà không bị tiểu đường.