Chiến dịch tìm kiếm và giải cứu kéo dài 5 ngày với sự tham gia của lực lượng Mỹ, Canada, Pháp và Anh đã kết thúc sau khi phát hiện những mảnh vỡ của con tàu.
Vùng mảnh vỡ gần xác tàu Titanic
Tại cuộc họp báo sáng qua (giờ VN) ở TP.Boston (bang Massachusetts, Mỹ), Chuẩn đô đốc John Mauger của lực lượng Tuần duyên Mỹ cho biết thiết bị lặn không người lái của một tàu Canada đã phát hiện “vùng mảnh vỡ” trên thềm biển ở khoảng cách gần 500 m so với xác tàu Titanic. Trong số này, có đến 5 mảnh vỡ lớn thuộc về con tàu lặn xấu số Titan, mất tích sáng 18.6 trong lúc đưa du khách xuống đáy biển tham quan xác tàu Titanic nổi tiếng ở độ sâu 3.800 m. Titan là tàu lặn của Công ty OceanGate Expeditions (trụ sở ở TP.Everett, bang Washington, Mỹ).
Đạo diễn phim Titanic nói gì về thảm kịch tàu lặn Titan bị nghiền nát trong đại dương?
Chuẩn đô đốc Mauger cho biết thiết bị lặn tìm được phần chóp của đuôi tàu Titan, cùng 2 phần thuộc về khoang áp suất của tàu lặn. “Vùng mảnh vỡ tương thích với khả năng con tàu đã xảy ra một vụ nổ bẹp”, Reuters dẫn lời chỉ huy Tuần duyên Mỹ. Theo giải thích của giới chuyên gia, vụ nổ bẹp xảy ra khi vỏ một con tàu bị ép rúm ró vào phía trong do hứng chịu áp suất thủy tĩnh trong lòng biển. Thời gian xảy ra một vụ nổ bẹp là vào khoảng 1 phần nghìn giây, có nghĩa là các nạn nhân tử vong trước khi biết được chuyện gì đang xảy ra. Tuần duyên Mỹ không đề cập khả năng liệu có phát hiện các phần thi thể người hay chưa.
Trước khi Tuần duyên Mỹ tổ chức họp báo, OceanGate cũng phát thông cáo cho biết không có người sống sót trên tàu lặn Titan. Nạn nhân bao gồm nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của OceanGate là ông Stockton Rush (61 tuổi); tỉ phú người Anh Hamish Harding (59 tuổi); cha con tỉ phú người Anh gốc Pakistan Shahzada Dawood (48 tuổi) và con trai Suleman (19 tuổi); cùng nhà hải dương học kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic người Pháp Paul-Henri Nargeolet (77 tuổi).
Âm thanh từ đáy biển sâu
Chuẩn đô đốc Mauger cho hay vẫn còn quá sớm để xác định thời điểm tàu Titan gặp phải số mệnh bi thảm. Các đội ngũ tìm kiếm đã thả phao xô na trong vùng biển Bắc Đại Tây Dương hơn 3 ngày và không ghi nhận bất kỳ âm thanh lớn hay dữ dội nào trong lòng đại dương. Tuy nhiên, có vẻ như tàu lặn đã gặp nạn gần đích đến, dựa trên việc vùng mảnh vỡ ở vị trí khá gần xác tàu Titanic và thực tế con tàu mất liên lạc sau khoảng 1 giờ 45 phút trong cuộc hành trình dự kiến kéo dài hơn 2 giờ.
Người thoát chết nhờ từ chối lên tàu lặn Titan trong chuyến đi thảm kịch vì sao không tham gia?
Báo The Wall Street Journal hôm qua dẫn lời một quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ cũng cho hay lực lượng này đã thu được tín hiệu nhiều khả năng xuất phát từ một vụ nổ trong lòng đại dương gần vị trí của tàu lặn vào thời điểm con tàu mất liên lạc. Tờ báo dẫn lời các nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ âm thanh đã được hệ thống thiết bị tuyệt mật do Hải quân Mỹ cài đặt tại vùng biển này ghi nhận. Đây là hệ thống được thiết kế để phát hiện các tàu ngầm khác nhưng không được nêu chi tiết vì lý do an ninh. Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ cho đội ngũ chỉ huy chiến dịch tìm kiếm con tàu.
Hiện các thiết bị lặn không người lái trên thềm biển vẫn tiếp tục thu thập chứng cứ. Tạm thời vẫn chưa rõ liệu có khả năng trục vớt các phần thi thể (nếu có) của các nạn nhân hay không, do tính chất dữ dội của vụ nổ và các điều kiện vô cùng khó khăn ở đáy biển sâu. Đài CNN dẫn lời phía chuyên gia cho rằng cần trục vớt xác tàu Titan để tìm ra câu trả lời chính xác cho thảm kịch tàu này.
Không ai sống sót, tìm thấy mảnh vụn tàu lặn mất tích khi tham quan xác tàu Titanic
Năm 1912, tàu Titanic bị đắm do đâm vào một tảng băng trôi khổng lồ trong chuyến đi biển đầu tiên và cũng là cuối cùng của con tàu. Trong số 2.224 người trên tàu, hơn 1.500 người thiệt mạng. Xác tàu được tìm thấy năm 1985 và từ đó luôn thu hút sự quan tâm của các nhà thám hiểm và đam mê việc chinh phục.
Titanic, Titan và nhu cầu sửa đổi quy tắc hàng hải
Sau khi tàu Titanic đắm năm 1912, chính phủ các nước hai bên bờ Đại Tây Dương cùng nhau nghĩ cách bảo vệ hành khách đi biển. Kết quả là Công ước về an toàn sinh mạng con người trên biển (SOLAS) được phê chuẩn năm 1914, với nhiều điều khoản được xây dựng nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự Titanic tái diễn. Với vụ nổ tàu lặn Titan khiến 5 người chết, giới chuyên gia pháp lý cho rằng đến lúc cần phải sửa đổi bộ quy tắc hàng hải để kiểm soát hoạt động của ngành du lịch biển sâu, với OceanGate là một ví dụ. Năm 2018, giới chuyên gia đã cảnh báo việc OceanGate vận hành tàu lặn Titan nằm ngoài các điều khoản an toàn theo quy định, nhưng con tàu vẫn chở khách do phạm vi hoạt động thuộc vùng biển quốc tế. Thảm kịch của tàu Titan có thể là cú hích buộc các bên phải xây dựng bộ quy tắc mới nhằm bảo đảm an toàn cho các du khách thám hiểm biển sâu trong tương lai.