Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào ung thư trong phổi hình thành và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Hậu quả là hủy hoại mô phổi và khiến phổi không còn hoạt động bình thường được nữa. Nếu không phát hiện và điều trị, tế bào ung thư sẽ lan đến hạch bạch huyết hoặc di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như não, theo tờ The Independent (Anh).
Trong giai đoạn sớm, ung thư phổi không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện ở giai đoạn nặng. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 15 % bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh khi đang ở giai đoạn đầu. Do đó, hiểu đúng về ung thư phổi là điều rất quan trọng để ngăn ngừa và phát hiện sớm bệnh.
Dưới đây là những lầm tưởng thường gặp về ung thư phổi.
Chỉ người già mới mắc bệnh
Rất nhiều ca bệnh ung thư phổi là ở người cao tuổi. Độ tuổi chẩn đoán trung bình là 70 tuổi. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ phản ánh mức độ tiếp xúc lâu với thuốc lá, bác sĩ chuyên khoa phổi John Costello tại tổ chức y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ) cho biết.
Trên thực tế, vẫn có những bệnh nhân mắc ung thư phổi khi còn rất trẻ. Thậm chí, có những người phát hiện bệnh khi mới hơn 20 tuổi. Do đó, người trẻ vẫn có thể mắc ung thư phổi dù nguy cơ có thể thấp hơn rất nhiều.
Ung thư phổi do hút thuốc gây ra
Hút thuốc lá sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư phổi nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất gây bệnh. Trên thực tế, hút thuốc là là nguyên nhân gây ra hầu hết các ca bệnh ung thư phổi và là yếu tố nguy cơ lớn nhất. Nhưng thực tế, có khoảng 10% bệnh nhân ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc.
Có một số người mắc ung thư phổi do di truyền, do tiếp xúc với hóa chất như amiăng, khí radon và hút thuốc thụ động. Tuy nhiên, các ca bệnh này vẫn là thiểu số, bác sĩ Costello nói thêm.
Mắc ung thư phổi là sẽ chết
Bị chẩn đoán mắc ung thư phổi dù nghiêm trọng nhưng không có nghĩa là sẽ chết. Nếu ung thư chỉ xuất hiện ở phổi thì tỷ lệ điều trị thành công và sống sau 5 năm của bệnh nhân là 60%. Nếu ung thư đã lan đến các bộ phận khác của cơ thể thì tỷ lệ sống sẽ là 8%.
Tuy nhiên, với những kỹ thuật sàng lọc ung thư phổi mới, chẳng hạn như chụp CT ở người có tiền sử hút thuốc trên 50 năm, có thể phát hiện sớm ung thư. Các kỹ thuật này sẽ phát hiện khối u khi còn rất nhỏ. Điều trị sớm sẽ giúp tỷ lệ sống sót sau 5 năm tăng lên đến 80-90%.
Tất cả ung thư phổi đều giống nhau
Ung thư phổi có nhiều loại và mức độ khác nhau. Hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
Khi điều trị ung thư phổi, tùy vào từng trường hợp, giai đoạn ung thư và một số yếu tố khác mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp. Các nghiên cứu cho thấy với ung thư giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi bằng phẫu thuật là 60-90% và bằng hóa trị là 20%, theo The Independent.