… Một trưa tháng 10 năm 2001. Trời thu ngăn ngắt xanh cùng biển biếc, được ngồi bên ông trên tàu tham quan Cảng Hamburg.
Hào phóng trong nắng với gió lành, câu chuyện trong không khí thân gần, như bớt thêm những khoảng cách. Thú vị khi biết thêm chữ đầu trong tổ hợp từ KHOAN/ GIẢN/ AN/ LẠC – bí quyết để sống lành, sống thọ của người Việt mình đã được các cụ chọn để đặt tên cho ông!
Khoan, tên cậu con trai ông Quản đốc phân xưởng nhà máy giấy ở ngoại thành Hà Nội. Kháng chiến Toàn quốc bùng nổ, khi mới 8 tuổi, cậu phải theo cha rời quê nhà Phú Xuyên, Thường Tín lên chiến khu Việt Bắc.
Năm 1951, Vũ Khoan được gửi sang Trung Quốc học tập. Sau 1954, lại được chọn sang công tác ở Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, một cơ may đặt chân vào ngành ngoại giao. Rồi ít năm sau là thời gian đào tạo ở Trường quan hệ quốc tế Mat-xcơ-va.
Thành tích vượt trội một năm học hai lớp và năng khiếu ngoại ngữ, Vũ Khoan sớm thành thạo rất nhanh khoản tiếng Nga.
Khi tôi gạn đến sự kiện – những lần ông trực tiếp phiên dịch cho Bác Hồ, rồi sau này là những yếu nhân Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng… Ông rất kiệm lời rồi cười “Mình có phải vất vả mấy đâu! Ông Cụ nhà mình (Bác Hồ) thạo tiếng Nga mà!”.
Tôi cũng vuột ra những băn khoăn rằng, tận cuối những năm 80, mà ông vẫn là “hàm” trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch? Rồi Đổi Mới, ông mới ngồi vào cái ghế Thứ trưởng, như vậy có trễ quá không. Nhưng ông đã cười mà rằng “cậu không biết quãng thời gian được gần cụ Thạch là thời gian mình quá hạnh phúc à”.
Và có những chuyện khó nói cũng như tôi cũng khó… viết. Ấy là thời điểm cuối 79 đầu 80 của ngành ngoại giao thời cấm vận mà phận sự ông phải trực tiếp ứng phó.
Ông bộc bạch có đến mấy tháng liền có tháng chỉ được ngủ mươi lăm ngày!
Chuyện gần, việc xa. Ông sẻ chia cả tâm trạng day dứt của những sứ thần nước nghèo Việt khi thực thi phận sự ở xứ người. Ông bộc bạch, các cụ mình có câu “tội vạ bất như bần” – không gì khổ bằng cái tội nghèo. Mối nhục ấy làm người ta có khi lâm vào sự hèn!
Tôi cũng tò mò về cái bút danh Hồ Vũ nào đó ông từng dùng. Thì ra phu nhân nhà ngoại giao Vũ Khoan là bà Hồ Thể Lan từng một thời là yếu nhân của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao.
Tôi nèo thêm ông thêm thông tin về sự kiện sốt sột năm trước (tức là năm 2000), tháng 7/2000 Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan gánh sứ mệnh sang Mỹ thương lượng lại Hiệp định Thương mại (HĐTM) mà hai bên đã ký tắt.
Chuyện biên ra thì dài mặc dù ông chỉ vắn tắt. Người nghe dường như bị lây lan được sẻ chia những gian nan của một người lo lắng vận nước! Cái tình thế Việt Nam rất mong được có HĐTM. Nhưng muốn thay đổi một số chi tiết trong hiệp định cho phù hợp với quan điểm của Việt Nam. Nhưng liệu có thuyết phục được đối tác Hoa Kỳ không?
Cuối cùng sau bao tất tả gian nan, Hiệp định ban đầu quy định tỷ lệ đầu tư từ 50-50, nhưng Việt Nam đã đổi thành 51-49!
Rồi sau này hai bên đã ký được hiệp định, ông Vũ Khoan được Tổng thống Bill Clinton tiếp tại Nhà Trắng.
… Lại nhớ thêm bữa cuộc tụ vui năm 2001 gọi là liên hoan đầu năm mới của ngành thương mại. Cuộc vui có 2 sự kiện. “Tống cựu nghênh tân’’ hai “nhân vật’’ Vũ Khoan, về làm Bộ trưởng Thương mại; Và tiễn cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đi trấn thủ Nghệ An (Bí thư Tỉnh ủy). Lại thêm sự có mặt của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chừng như chợt nhớ tới cái thú tao nhã lâu nay của ông cựu Trương Đình Tuyển, ông tân Vũ Khoan vui vẻ đề nghị ông Tuyển đọc thơ!
May Thủ tướng và ông Tuyển đều ưng thuận.
“Thưa Thủ tướng, thưa anh Vũ Khoan, thưa các bạn đồng nghiệp, thơ cũ đã làm thì có nhiều và các anh cũng nghe nhiều, nhưng bữa nay tôi xin đọc mấy câu vừa chợt nghĩ…”
Căn phòng rộng thênh im phắc.
“Năm năm trấn cái cửa này / ngọt bùi đã trải chua cay đã từng / chẳng ai nước lã người dưng / Ta đi, ai tiếc, ai mừng ta đi”.
Thủ tướng Phan Văn Khải cười, ngước sang ông với ánh mắt khuyến khích “chắc chưa hết?’’. Ông cười “dạ chưa…’’ rồi tiếp “suy làm chi nghĩ làm chi / tình này rất nặng nghĩa này rất sâu…”.
Trong các cung bậc cười vui, anh Sáu Khải cười quay sang ông “Này, câu kết có gượng không đấy?”
Phong thái chủ động của cuộc tiếp tân hôm ấy khiến nhiều người nghĩ đến những cú hích công việc sau này của ông Vũ Khoan. Đó là sự chủ động đến quyết liệt ở cương vị Bộ trưởng để có các cơ quan Xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. “Ơ hay, người Việt mình cứ ngồi chờ khách hàng đến mua là thế nào? Kinh tế thị trường thì phải đi chào hàng chứ…”. Mà chào hàng khi đó chưa ai phụ trách, nên ông đã cho ra đời các cơ quan xúc tiến thương mại, tiếp đến là các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch…
Nhiệm kỳ Bộ trưởng Thương mại rồi Phó Thủ tướng, sáng danh cái tên Vũ Khoan trên các lãnh vực khối thương mại ASEAN đến APEC & ASEM (Diễn đàn hợp tác Á – Âu). Rồi với BTA (Hiệp định TMVM) và có đóng góp quan trọng trong đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…
Rồi những việc lớn như mở rộng quan hệ quốc tế, cả song phương lẫn đa phương. Tiếp cận với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, mở rộng quan hệ với Úc, Nhật. Với Nhật, ông là người đi đàm phán đầu tiên, mà còn bí mật, để nhận ODA đầu tiên của họ về.
Một quan chức ngoại giao có sẻ chia với tôi ấn tượng về nhà ngoại giao Vũ Khoan.
Ấy là bữa tiệc tổ chức tại Washington D.C chào mừng việc trao đổi Thư phê chuẩn Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA). Tiệc diễn ra tại gian phòng lớn lát đá cẩm thạch trắng toát. Hiện diện có quan chức Lưỡng đảng (Dân chủ, Cộng hòa), Lưỡng viện (Thượng viện, Hạ viện). Xôm tụ thêm có đại diện của các doanh nghiệp nổi tiếng của Hoa Kỳ và đại diện các doanh nghiệp lớn Việt Nam.
Mở đầu bài diễn văn, ông Vũ Khoan tươi cười nói vo:
“Last night, I had a dream! (Đêm qua tôi có một giấc mơ)”.
Ngay lập tức khán phòng lặng phắc.
(Vị sứ thần nọ dừng lại để chú thêm rằng, hầu hết dân Hoa Kỳ đều tường câu nói nổi tiếng này của Martin Luther King – nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ).
Người ta im lặng bởi ngạc nhiên và tò mò xem ông Bộ trưởng Thương mại Việt Nam này mơ cái gì?
Vẫn phong độ ung dung, ông Khoan tiếp:
“Tôi mơ được mời dự một bữa tiệc mà ở nơi đó, toàn bộ được lát bằng đá cẩm thạch nhập từ Việt Nam”.
Nói đến đây ông mời đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng của Việt Nam đứng dậy chào.
Chưa rõ nội dung cùng diễn tiến cụ thể, nhưng khán phòng rộ lên tràng vỗ tay vì khách mời khá ấn tượng với phong thái lạ, khác với cung cách diễn đạt của các quan chức Việt mà họ vẫn thường chứng kiến.
Rồi ông Vũ Khoan tiếp tục miêu tả về bữa tiệc mà ở đó bàn ghế, quần áo của khách dự tiệc đều là nhập từ Việt Nam. Món chính của tiệc là cá basa, tráng miệng là quả thanh long và cà phê Buôn Ma Thuột. Sau mỗi tên sản phẩm, ông gọi đại diện của Việt Nam đứng dậy chào.
Đoạn kết, ông Vũ Khoan mơ về chiếc Boeing 777 chở theo những du khách Mỹ đang hạ dần độ cao để đáp xuống sân bay Quốc tế Nội Bài.
“Khi du khách Mỹ bước xuống sân bay Nội Bài, những cô gái Việt Nam thướt tha duyên dáng trong sắc phục áo dài dân tộc vui mừng ùa ra tặng hoa.
Nhưng thưa các vị, các vị có biết không, trong số các người đẹp ra đón, tôi chợt thấy một bà tóc bạc phơ. Nhìn kỹ hóa ra đó là vợ mình nên tôi giật mình tỉnh giấc”.
Lại rộ thêm, nối thêm những tràng pháo tay tán thưởng!
Bây giờ ngồi gõ những dòng này. Nghĩ về thời điểm Hiệp định Thương mại Việt Nam Hoa Kỳ diễn tiến và thành hiện thực như bây giờ thì quả là một giấc mơ! Với cú hích HĐTM đã nhanh chóng đưa kim ngạch buôn bán của Việt Nam với Hoa Kỳ từ 700 triệu USD đến 2012 là 19 tỷ USD!
Cụ Vũ Khoan ơi, nội dung HĐTM Việt Mỹ (gồm 7 chương và 72 điều, 9 phụ lục) mà người khai sơn phá thạch Vũ Khoan tận tâm tận lực xây nên nay đã phát bao điều lành. Những cá basa, thanh long, cà phê Ban Mê… đồ dệt may, vật liệu xây dựng đã và đang hiện diện sinh động trong đời sống của người Hoa Kỳ chứ chẳng phải chập chờn như giấc mơ nữa!
Nghe nói ông Vũ Khoan có để lại hồi ký? Chắc đức tính trung thực thẳng thắn của ông sẽ chuyển tải cả những điều “Lúc bấy giờ anh Phan Văn Khải có sai tôi đi họp ở Bộ Xây dựng. Lúc đó tôi đã kiên trì đề nghị đừng xây nhà cao tầng ở trung tâm Hà Nội, nhưng nghe chừng không được. Hậu quả, đã đẻ ra tình trạng xây dựng tràn lan như hôm nay.
… Lúc bấy giờ có khu Chu Lai, Vân Phong. Từ kinh nghiệm nước khác, tôi cũng đã đề xuất là muốn phát triển khu chế xuất, anh phải có “ắc quy” – năng lượng nạp vào thì mới bùng phát. Nếu anh bỏ bao nhiêu tiền ra mà không có năng lượng đó thì khu đó cũng chết thôi.
Về phân cấp cho địa phương về đầu tư nước ngoài nói riêng và đầu tư nói chung, ông từng day dứt.
Phân cấp phải đi theo quy hoạch chung và năng lực cán bộ – hai điều kiện cần có. Điều này tôi đã tính không hết mà chỉ thấy cần gỡ bỏ những thứ quá tập trung, quan liêu, tiêu cực… Để cho kinh tế năng động lên thì phải phân cấp, nhưng mình nhìn không ra là để có được điều đó cần quy hoạch tổng thể rất chặt và năng lực nguồn nhân lực phải rất cao, để đâm ra bây giờ tung toé hết”.
Ông Khoan ân hận vì có cái mình nhìn sai dẫn đến tổn thất, có cái mình nhìn đúng nhưng không tranh đấu đến cùng cho cái đúng ấy, đành bất lực với các tổn thất.
Từ tâm can, ông Vũ Khoan đã có những dòng này thời điểm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Sáu Khải đi xa.
“Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ sâu lắng, sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Với Anh Sáu Khải – sống trên đời, anh đã có cả một tấm lòng với dân với nước”.
Mà với ông Vũ Khoan, cũng trọn vẹn thứ đan tâm – lòng son như thế!
Đêm 22/6/2023
X.B