Từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp… đã ảnh hưởng đến tâm lý chung trên thị trường, giao dịch bị trì hoãn, nhiều dự án bất động sản đang triển khai phải nhấn nút tạm dừng.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group đánh giá, gần như tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới hiện nay đang gặp khó khăn. Có rất nhiều doanh nghiệp đã dừng hoạt động và phải chống chọi trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
CEO DKRA chỉ ra nhiều khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, như nguồn cung khan hiếm, sức cầu thị trường giảm mạnh, áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn, gánh nặng chi phí vận hành và công nợ chủ đầu tư…
Ông Lâm nhận định, trong thời gian tới, những doanh nghiệp có sức đề kháng tốt, có uy tín và phương án kinh doanh minh bạch sẽ vẫn nhận được sự tin tưởng của các trái chủ. Với nhóm còn lại thì khác, không có năng lực trả nợ thì sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn.
“Để đánh giá một doanh nghiệp, hiện tại không thể chỉ đánh giá về quy mô vốn mà phải là sự minh bạch, năng lực mà cụ thể là chỉ số rủi ro ở mức thấp. Chứ không phải cứ doanh nghiệp to là tốt. Trước đây, nhiều người quan tâm đến doanh nghiệp chỉ ở cái tên nhưng bây giờ bài toán đã khác. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp rất lớn về mặt thương hiệu lại là những doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro lớn”, ông Lâm nói.
Thực tế, một số doanh nghiệp địa ốc đã tái cấu trúc nợ như bằng cách xin gia hạn trái phiếu, hoán đổi trái phiếu bằng bất động sản, cổ phiếu… Song, CEO DKRA cho rằng đây là những “giải pháp tình thế”, không thực sự tối ưu. “Điều này cũng giống với việc ngân hàng đi siết nợ người đi vay và giải pháp này không khả thi. Tuy nhiên, nếu so sánh với phương án ‘vỡ nợ’ thì phương án xoay sở như trên vẫn tốt hơn”, ông Lâm nêu.
“Chuyện đổ vỡ ở một số doanh nghiệp địa ốc có thể sẽ xảy ra và thị trường bất động sản cũng phải có những ví dụ điển hình để trở thành bài học cho những doanh nghiệp khác. Niềm tin của các nhà đầu tư cũng sẽ có sự chọn lọc hơn. Không phải các nhà đầu tư mất niềm tin, mà họ phải dành niềm tin đó cho đúng nơi mà họ nhìn thấy được sự minh bạch. Nhà đầu tư vẫn còn đó, niềm tin vẫn còn đó và việc họ đặt vào ai còn phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có chứng thực được năng lực của mình hay không”, ông Lâm nhấn mạnh.
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã đưa ra dự báo, nguồn cung nhà ở vẫn chưa có nhiều thay đổi vào đầu năm nay. Song, trong điều kiện chính sách vĩ mô được điều chỉnh như dự báo thì bắt đầu từ cuối quý I/2023, những dự án phù hợp với nhu cầu số đông người dân đang triển khai dở dang, vướng mắc sẽ được khơi thông, đưa vào thị trường nguồn cung mới. Càng về cuối năm, nguồn cung nhà ở phù hợp nhu cầu thị trường càng được cải thiện.
Cũng theo VARS, giá bán nhà ở trong quý I và nửa đầu quý II năm nay có thể sẽ giảm nhẹ, sau đó đi ngang. Khi tình hình kinh tế ổn định hơn, giá bán các sản phẩm khả năng cao sẽ tăng trở lại.
Riêng giá căn hộ phân khúc thấp sẽ không giảm, thậm chí tăng nếu nguồn cung không được cải thiện. Còn đất nền ở một số nơi giá đã tăng quá mạnh sẽ tiếp tục giảm và điều chỉnh về mức phù hợp. Ngược lại, những vùng chưa có nhiều dự án sẽ có khả năng tăng.