Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng, còn dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh có tổng mức đầu tư gần 6 nghìn tỷ đồng.
Quang cảnh Lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội tại điểm cầu Hưng Yên. (Nguồn: TTXVN) |
Ngày 25/6, tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và phát lệnh khởi công xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (giai đoạn 1).
Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến giữa 7 điểm cầu: Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp.
Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội ở điểm cầu Hoài Đức có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng.
Cùng dự lễ khởi công hai dự án quan trọng này tại các điểm cầu còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và đại diện nhân dân các địa phương trong khu vực.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: đầu tư cơ sở hạ tầng; trong đó, có hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của Đảng Nhà nước trong phát triển kinh tế – xã hội. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và với hạ tầng giao thông mục tiêu đã được Quốc hội thông qua đến năm 2030 cả nước phải có ít nhất 5.000 km cao tốc; năm 2025 là 3.000 km. Việc khởi công đường Vành đai 4, cùng với các dự án đã và đang triển khai, thi công vừa qua, nếu tập trung triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đến năm 2025 chúng ta sẽ có trên 3.000 km cao tốc vào năm 2025, cơ bản đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Về dự án đường Vành đai 4 Thủ tướng đánh giá: Quốc hội vừa thông qua chủ trương thực hiện được 1 năm nhưng thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đã đạt trên 80% công tác giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện khởi công là một cố gắng. Thủ tướng đề nghị các cấp ủy đảng, UBND các tỉnh, thành phố triển khai giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật bảo đảm bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023). Theo đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, sinh kế mới ít nhất bằng và tốt hơn nơi cũ. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng; đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Thủ tướng mong muốn, bà con nhân dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị thi công dự án hiệu quả, an toàn, kịp thời và chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Bên cạnh đó, các nhà tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tăng cường nâng cao trách nhiệm thương xuyên kiểm tra giám sát bảo đảm an toàn, chất lượng, tiến độ. Mỗi cá nhân liên quan tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, đổi mới tư duy sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ, chất lượng, không lãng phí, không tiêu cực.
Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Đồng thời, là dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sơ đồ dự án đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. (Nguồn: TTXVN) |
Dự án đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 để triển khai thực hiện. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài hơn 112 km đi qua thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh có tổng mức đầu tư hơn 85 nghìn tỷ đồng.
Còn dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) – An Hữu (tỉnh Tiền Giang) với chiều dài hơn 27 km có tổng mức đầu tư gần 6 nghìn tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức đầu tư công.