Đồng bào Mường ở Thanh Hóa cư trú trong một không gian rộng lớn, trải dài từ miền núi – bán sơn địa và tới cả đồng bằng và tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh và còn phân bố rải rác, xen cư ở 26 xã thuộc các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Triệu Sơn, thị xã Nghi Sơn.
Nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa của người Mường (Ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Huấn
Trải qua quá trình hình thành phát triển, các thế hệ người Mường vừa lao động sản xuất, vừa sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa tinh thần để phục vụ cuộc sống. Trong những giá trị văn hóa tinh thần ấy, thì dân ca nói chung, hát ru của đồng bào Mường nói riêng là một trong những thành tố quan trọng với nhiều bài hát và làn điệu có giá trị. Những nội dung của hát ru ẩn chứa tinh hoa văn hóa tộc người, là nơi lưu giữ hồn dân tộc, quan hệ tình nghĩa giữa con người với tự nhiên, xã hội và thể hiện sâu sắc, bền chặt, nghĩa tình, nhất là mối quan hệ, tình cảm gắn bó giữa con người với con người trong cuộc sống.
Hát ru Mường được người dân ưa chuộng và trở thành lối hát phổ biến, phản ánh tinh tế, sâu sắc mọi cung bậc tình cảm trong cuộc sống thường ngày của đồng bào Mường, nhất là dành cho con trẻ… Mỗi bài hát ru đều có nội dung sâu sắc, mang ý nghĩa giáo dục cao, sinh động về hình thức thể hiện.
Đây là một trong những loại hình dân ca do dân gian sáng tác, trao truyền, mang sắc thái văn hóa riêng, được diễn xướng bằng ngôn ngữ Mường và được đồng bào sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của quần chúng. Hát ru Mường khi diễn xướng thường rất hiếm khi có nhạc cụ hỗ trợ, thông thường trong khi hát ru, lời hát gắn với kẽo kẹt tiếng võng đưa, rặng cây trong vườn xào xạc lá, hay âm thanh phát ra từ tiếng luống khua…
Từ khi cất tiếng khóc chào đời tâm hồn trẻ thơ đã được các mế, các bà, anh, chị đánh thức và làm giàu bằng những lời hát ru để bé hay ăn, ngủ ngon, chóng lớn. Đến tuổi “lon ton lên bảy, rủi rảy lên ba” đi chơi cùng anh cùng chị và biết múa hát đồng dao; lớn lên biết theo phường xéc bùa hát chúc đầu năm, mừng nhà mới…; đến tuổi trưởng thành thì hát lời thương, hát ví…, nam thanh, nữ tú ai cũng biết hát giao duyên.
Là một trong những loại hình dân ca, do vậy về làn điệu, hát ru Mường có hai thành tố hợp thành, đó là âm nhạc và lời ca. Làn điệu các bài ru của người Mường thường êm ái, ngọt ngào và sâu lắng. Nội dung lời ru như vẽ ra các hình ảnh, sự việc sống động, kể một câu chuyện hay, để cho người nghe, đặc biệt là con trẻ thả hồn vào giai điệu miên man, dẫn trẻ thơ vào giấc ngủ.
Một bài hát ru Mường thường cấu trúc có ba phần: Mở – Tiếp diễn – Đóng. Trong đó, phần tiếp diễn chính là phần lời ca của làn điệu. Lời ca hát ru con thông thường dùng thơ lục bát, hay đôi khi lục bát biến thể – một thể thơ dân dã, dễ sáng tạo, dễ thuộc. Về nhịp điệu, hát ru Mường thuộc dạng nhịp đôi, êm ả, đều đặn, dìu dặt, phù hợp với nhịp đưa nôi, phù hợp với tâm sinh lý, dễ đưa trẻ thơ đi vào giấc ngủ.
Hát ru Mường vừa bao hàm lời ca, lại vừa bao hàm cả tiếng đệm, tiếng láy. Tiếng đệm, tiếng láy và điệp khúc là thành phần chủ yếu của làn điệu hát ru Mường. Trong mỗi bài hát ru những tiếng đệm, tiếng láy đó thường xuất hiện ở chặng đầu, chặng cuối của bài ru. Tiếng đệm là những âm đặc trưng của lời hát ru, được lặp đi lặp lại nhiều lần. Mở đầu và cuối bài ru, được lặp lại, mở đầu thường là: Ru rú là rảy, tảy ti cho lô lô. Hay: Lếu lếu lêu làng làng; lếu lếu lêu làng lốc, cố trôốc con ùn tảy ti…; Chống lếu lêu làng làng; Rú ru là rày rày, Rú ru ời rãy, Ru ru là ru, À í ôi à í ời… Kết thúc bài ru thường là: úch ò mế ới ơi…, hay: là ụt ới là ụt ơi…
Giai điệu của hát ru Mường còn tùy thuộc vào giọng hát. Giọng hát biểu hiện màu sắc cung bậc tâm lý, tình cảm cao trào và kết thúc điệu hát, hoặc nhiều điệu hát ru. Giọng hát ru có nhiều lối hát, giai điệu, tùy thuộc vào lời ca khác nhau nhưng đều có điểm chung là mang giọng điệu ru ngủ êm đềm tĩnh lặng.
Trước khi hát ru, người hát thường có sự chuẩn bị trước rồi mới hát. Hát ru có cao trào theo tâm lý trẻ. Nếu trẻ la khóc, người ru hát to gây chú ý, như vậy cao trào hát ru Mường thường phụ thuộc vào hoàn cảnh tâm lý trẻ thơ. Mỗi bận hát ru có thể hát một bài hoặc nhiều bài ru kế tiếp, âm thanh: to – vừa – nhỏ hoặc ngược lại, tùy thuộc vào trạng thái tâm lý của đối tượng nghe hát ru. Với trẻ thơ, âm lượng lời hát và giai điệu lời ru có thể mở đầu là hát to, sau nhỏ vừa và nhỏ dần cho tới khi trẻ thôi hờn khóc và lời ru tiếp tục ngân lên êm ái, nhẹ nhàng đưa trẻ thơ đi vào giấc ngủ nồng say.
Đồng bào Mường ở miền núi tỉnh Thanh thực hành diễn xướng hát ru có 3 làn điệu đó là: hát ru theo làn điệu cổ, hát ru theo làn điệu Đánh Rang và hát ru theo làn điệu Bọ Mẹng. Hát ru theo làn điệu cổ là những bài hát ru được các nghệ nhân thường sử dụng, giai điệu chậm, láy đi láy lại nhiều lần trong một đoạn hát. Những bài hát ru cổ thường ngắn, nhiều từ cổ, gần với xường kể và sử dụng những câu chuyện thơ Mường như Nàng Ờm – chàng Bồng Hương, Nàng Nga – Hai Mối, Út Lót – Hồ Liêu… để ru. Hát ru theo làn điệu Đánh Rang là người hát vừa sử dụng lời mới kết hợp với lời cổ, vừa hát vừa kể, tiết tấu, giai điệu nhanh, có luyến láy.
Ca từ của hát ru Mường thường tùy thuộc vào hoàn cảnh và tâm trạng của người hát và đối tượng nghe hát. Đối với trẻ thơ, lời ru thường tươi tắn, hồn nhiên, câu thơ ngắn gọn với tiết tấu nhanh, dồn dập. Với lời ru của mẹ: Ru ru là rảy/ Con ngủ đi cho lâu/ Cho mẹ đi dâu hái lá/ Hái lá là đúc tằm/ Cho tằm bông tơ mẹ chín/ mẹ may áo mới cho con đi học chữ/ Con ngủ cho lâu/ Mẹ đã may được đôi áo mới… Nhưng chiếm phần lớn là những câu thơ dài diễn tả tâm trạng của người ru với đối tượng họ hướng tới: Rù ru là rảy/ Ngủ đi là út ơi / Để ngày mai sương tan/ Mẹ đùm cơm đi việc/ Đi phát rừng với o/ Đi phát nương với bố/ Con ngủ đi cho lâu lâu/ Lúa chín vàng ngày mai đi hái/ Lúa chín vàng ngày mai đi gánh…/ Con ngủ đi để mẹ dắc trâu bạc đi ra bừa ngang/ Cho mẹ trồng vườn khoai lang trước cửa… Và lời của chị ru em thường chậm rãi, dập dìu: Hoàng hôn ráng đỏ xa xa/ Chị ru em ngủ chờ cha mẹ về/ Ru em em hãy ngủ đi/ Để chị nhóm bếp mẹ về nấu cơm…
Hát ru Mường là khúc ca về tình cảm gia đình, giáo dục cho trẻ thơ về công lao cha mẹ, dưỡng dục, sinh thành: Nơi ướt mẹ nằm/ Nơi ráo con ngơi… Ngày đói mẹ nhường cơm con ăn/ Ngày no mẹ nhường canh con húp/ Miếng tốt miếng ngon nhường con/ Con ăn cho no, chóng lớn…
Hát ru Mường là khúc ca về tình người, tình yêu thiên nhiên sắc son bền chặt, tình yêu bản mường giàu đẹp quen thân và sâu đậm nhất vẫn là lời hát cất lên từ trái tim người mẹ, thể hiện tình yêu thương của mẹ cha dành cho con trẻ, với niềm tin yêu, hy vọng mong bé thơ khôn lớn, nên người: Ước gì mẹ có mười tay/ Tay kia bắt cá, tay này bắt chim/ Một tay chuốt chỉ luồn kim/ Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau/ Một tay ôm ấp con đau/ Một tay vo gạo, tay cầu gần xa/ Một tay dệt cửi guồng sa/ Một tay bếp núc cửa nhà nắng mưa/ Một tay đi củi muối dưa/ Một tay che nắng, chợ trưa váng đầu/ Bồng bồng con ngủ cho say/ Dưới sông cá lội, chim bay trên trời…
Hát ru Mường là tấm gương phản ánh nhận thức của người Mường về tự nhiên xã hội, lịch sử hình thành và phát triển của loài người và cộng đồng Mường, ôn lại truyền thống lịch sử và những mỹ tục của tộc người. Đây còn là hình thức diễn xướng của cộng đồng người Mường trong cuộc sống, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, có tính giáo dục cao nhằm truyền dạy cho con cháu về đạo lý, lẽ phải, về đối nhân xử thế, là tình thương yêu vô bờ không chỉ đối với trẻ thơ mà là sự thương yêu ở mỗi con người và cả cộng đồng. Hát ru dân tộc Mường luôn gắn bó và trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường, góp phần xây dựng phẩm cách, lòng nhân hậu và đạo lý làm người trong cộng đồng. Hát ru Mường hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tộc người rất cần được nghiên cứu, sưu tầm, phát huy để những giá trị nhân văn cao quý không ngừng được lan tỏa, góp phần nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng phát triển toàn diện và đạt tới: Chân – Thiện – Mỹ.
Hoàng Minh Tường