Quyết xem tận mắt, tiếp cận tận nơi
“Dịch COVID-19 ập đến, mình cứ nghĩ là cơ hội không thể tốt hơn cho khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang trong đó có san hô. Nhiều năm trước khu vực vùng lõi Hòn Mun được xem có hệ sinh thái san hô đẹp bậc nhất Việt Nam. Giờ mình khá bất ngờ vì khi lặn xuống, chứng kiến cảnh san hô chết hàng loạt, rất đau xót”, tác giả Lê Xuân Hoát mở đầu loạt bài “Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang kêu cứu” dài 5 kỳ bằng chia sẻ của một hướng dẫn viên có kinh nghiệm lặn 20 năm ở nơi này.
Đáy biển khu bảo tồn Hòn Mun rộng hàng nghìn m2 trắng xóa, không còn một cọng san hô nào, chỉ lác đác vài con cá nhỏ; còn trên bờ san hô chết chất đống, kéo dài cả trăm mét cũng chính là hình ảnh đã ám ảnh phóng viên Xuân Hoát một thời gian dài sau khi loạt bài hoàn thành.
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như: Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160km2, bao gồm 122km2 vùng nước xung quanh các đảo. Vịnh Nha Trang hiện có khoảng 15 điểm lặn xung quanh đảo. Những điểm lặn này đa số đều nhiều san hô, hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Trong đó, đẹp nhất và đa dạng nhất là quanh khu vực Hòn Mun – là vùng lõi của khu bảo tồn nên phải được Ban quản lý Vịnh Nha Trang cho phép khi lặn. Tại Hòn Mun, các bãi lặn có tiếng gồm Hòn Rơm hay Madona rock, bãi Madam Hạnh, bãi Coral Garden, bãi Southbay hay Fishing men…
“Khu bảo tồn này được bảo vệ nghiêm ngặt từ hàng chục năm nay. Vì thế, khi nghe thông tin san hô ở vùng lõi chết hàng loạt, có nguy cơ bị tẩy trắng hoàn toàn mà chưa rõ nguyên do, bản thân tôi thật khó chấp nhận, quyết đi xem tận mắt, tiếp cận tận nơi”, tác giả Lê Xuân Hoát cho biết.
Với thời gian chỉ vỏn vẹn một tuần, nam phóng viên của tạp chí điện tử ZingNews đau đáu việc làm sao để tiếp cận hiện trường “nhanh nhất, kỹ nhất”. Tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, san hô sống ở độ sâu trung bình từ 1,5m đến hơn 12m. Vì thế, muốn quan sát tận mắt đòi hỏi phải có áo, mũ, ống thở, bình lặn… – những đồ dùng chuyên nghiệp mà phóng viên không có. Khi đã có đồ chuyên dụng, cần phải có kỹ năng lặn biển – thứ mà phóng viên chưa được đào tạo bao giờ.
Nếu độ sâu 1,5m đến hơn 2m, việc lặn rất dễ dàng. Nhưng nếu muốn lặn quá 5-6m hay thậm chí hơn 10m, người lần đầu lặn sâu phải qua đào tạo và có huấn luyện viên hướng dẫn đi kèm, nếu không rất dễ bị các sự cố liên quan áp lực nước khi lặn sâu.
“Việc lặn sâu để quan sát, chụp ảnh dưới đáy biển là bắt buộc khi thực hiện đề tài này. Rất may tôi có sự hỗ trợ tận tình của một số huấn luyện viên lặn, những chuyên gia lặn ở Nha Trang trong quá trình tác nghiệp dưới đáy biển với độ sâu gần 15m”, phóng viên Xuân Hoát kể.
Cùng với đó, đây là đề tài đòi hỏi cần phải có kiến thức về sự đa dạng hệ sinh thái, đặc biệt là san hô. Hoát trước đây may mắn đã tiếp cận, nói chuyện rất nhiều với các nhà hải dương học, đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học.
“Hầu hết kiến thức về đa dạng hệ sinh thái biển, kiến thức về cơ chế sống của san hô tôi học từ PGS.TS Nguyễn Tác An, người được mệnh danh là “ông già biển cả””, Xuân Hoát chia sẻ.
Ngoài ra, trong khi thực hiện tuyến bài này, tác giả còn phải tham khảo không ít kiến thức từ các chuyên gia lặn biển, những người đã gắn bó với vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô ở vùng lõi khu bảo tồn biển Nha Trang nói riêng hàng chục năm nay.
Đáp hồi lời kêu cứu của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Sau loạt bài “Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang kêu cứu” của ZingNews cùng sự chung tay phản ánh của nhiều cơ quan báo chí khác, ngày 22/6/2022, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong khu vực vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là tại khu vực Hòn Mun.
Nhà chức trách đồng thời chỉ đạo khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá, việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô nêu trên là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương).
Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…).
“Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, nó không còn là tài sản của riêng tỉnh Khánh Hòa mà là của cả thế giới, cần phải bảo vệ hệ sinh thái nơi này. Du khách khắp nơi đến Nha Trang vì vịnh đẹp, nước biển trong lành, nếu san hô chết hệ sinh thái biển cũng sẽ biến mất theo. Trong khi đó, để hình thành một hệ sinh thái san hô phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, nhưng chỉ cần một tháng hoặc một năm “lãng quên” thì những nỗ lực ấy đổ sông đổ bể hết. Nếu chúng ta không coi trọng việc bảo tồn thì chỉ một thời gian ngắn những “di sản” của thiên nhiên ở vịnh Nha Trang sẽ không còn nữa. Và, hậu quả chắc chắn không nhỏ” – phóng viên Xuân Hoát xúc động nói.
Đánh động được nhà chức trách vào cuộc sau loạt bài dành nhiều tâm huyết, tác giả Lê Xuân Hoát càng đề cao hơn nữa sứ mệnh của người phóng viên trong việc bóc tách, phản ánh để tìm ra ngọn nguồn, lời giải cho những vấn đề cấp thiết của xã hội.
“Tôi luôn đề cao công việc và cố gắng hoàn thành tác phẩm tốt nhất trong khả năng của mình. Để làm được điều đó, đòi hỏi bản thân tôi phải không ngừng kiếm tìm thông tin trên các nền tảng xã hội, tài liệu; tạo thêm nhiều mối quan hệ xã hội ở mọi lĩnh vực; học hỏi từ đồng nghiệp hoặc đọc thật nhiều tờ báo có thể cũng là cách để tìm tòi cái mới; nắm bắt tốt hơn các vấn đề đã và đang diễn ra trong xã hội”, nam phóng viên chia sẻ với nhiều đam mê dành cho nghề.
Kỳ Hoa