Đại diện một số doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng chính sách visa mới được thông qua sẽ tạo “cú hích” thực sự cho du lịch Việt Nam, nhất là từ khách châu Âu cao cấp.
Sáng 24/6, Quốc hội thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày, người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Trả lời VnExpress, ông Trần Thế Dũng, CEO Vietluxtour, cho biết đây là điều các doanh nghiệp lữ hành chuyên mảng inbound (đón khách quốc tế) đã chờ đợi suốt nhiều năm qua. Chính sách visa cũ của Việt Nam có nhiều vấn đề chưa thực sự ổn, cảm giác chỉ mới “mở hé” cho khách quốc tế, khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn từ khi Việt Nam mở cửa du lịch sau dịch.
Theo ông Dũng, việc nâng thời gian lưu trú lên 90 ngày, cho phép ra vào nhiều lần không cần xin lại thị thực là hợp lý. Thực tế, đa số du khách quốc tế đi khoảng 30-45 ngày nhưng chính sách visa mới cho phép 90 ngày sẽ khiến họ thấy thoải mái hơn.
Khách châu Âu, dòng khách nhiều chuyên gia Việt Nam tin là thị trường mục tiêu cần hướng tới, có xu hướng du lịch cả ba nước Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) trong một chuyến. Tuy nhiên, họ không đi theo lộ trình cố định mà có thể từ Việt Nam sang Lào, Campuchia chơi rồi quay lại Việt Nam. Lý do tùy thuộc vào lịch trình của mỗi người và Việt Nam cũng có nhiều đường bay kết nối tới quê nhà của họ hơn.
“Các công ty lữ hành làm tour liên tuyến ba nước trước giờ hơi khổ vì phải xin đi, xin lại visa cho khách. Với chính sách mới, mọi thứ dễ dàng hơn”, ông Dũng nói.
Đại diện Vietluxtour cho biết chính sách visa mới có thể là tiền đề để thu hút dòng khách châu Âu cao cấp như Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Italy. Đây đều là nhóm khách có thói quen du lịch dài ngày.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị chuyên dịch vụ nghỉ dưỡng du thuyền 5 sao qua đêm, nói đã thông báo ngay lập tức đến các đối tác nước ngoài để chuẩn bị xây dựng các sản phẩm “nhiều nước một hành trình”. Theo ông Hà, việc sửa đổi chính sách visa lần này sẽ tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam lên đáng kể so với các nước trong khu vực.
Đa số khách hàng của công ty thuộc nhóm trung hoặc cao cấp, người nghỉ hưu nên có xu hướng đi lâu, ở dài. Do đó, ông Hà đánh giá đây là “một cú hích thực sự” và sẽ giúp công ty cải thiện 30% khi cao điểm du lịch của khách quốc tế bắt đầu vào tháng 9.
“Quyết định được đưa ra đúng thời điểm. Những người làm du lịch đã chờ rất lâu để đến ngày này”, ông Hà nói.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nói để thu hút khách quốc tế có rất nhiều yếu tố nhưng chính sách visa là một phần quan trọng tạo nên sức hút điểm đến.
Ông dẫn chứng Malaysia năm 1996 tung ra chính sách visa “Silver Hair Program” (Chương trình tóc bạc) hướng tới khách du lịch ở tuổi nghỉ hưu với thời hạn visa lên đến 10 năm. Tới năm 2022, chính sách này được đổi thành “Malaysia My Second Home” (Malaysia ngôi nhà thứ hai) với đối tượng từ 21 tuổi. Sau Covid-19, đất nước này còn có thêm chính sách visa lên tới 20 năm cho người thu nhập cao.
Ông cũng nói thêm trường hợp của quốc đảo Seychelles khi miễn visa cho công dân mọi nước. Nhờ đó, du lịch đóng góp 72% GDP trực tiếp hoặc gián tiếp, tạo ra 30% việc làm cho người dân. Singapore cũng là quốc gia thông thoáng khi miễn visa cho 162 nước. Sau khi xin được visa, du khách có thể ở lại Singapore tới 90 ngày và có thể gia hạn thêm 30-89 ngày.
“Việc sửa đổi lần này là hoàn toàn phù hợp với xu thế cạnh tranh”, ông Long cho biết.
Sau khi chính sách visa trở nên thông thoáng hơn, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng kỳ vọng Việt Nam có thể cải thiện thêm nhiều mặt để hấp dẫn khách du lịch quốc tế. Đại diện Vietluxtour nói bên cạnh chính sách visa, Việt Nam cũng cần quan tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng các đường bay thẳng để tạo thuận lợi trong việc đón khách quốc tế, xúc tiến du lịch hiệu quả đến những thị trường mục tiêu.
Trong khi đó, ông Phạm Hà nói điều quan trọng lúc này là cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới trên sông, biển và liên kết các vùng với nhau. Công tác quản lý điểm đến cần được nâng cao để giúp phát triển du lịch bền vững, phù hợp với xu thế hiện đại. Ngoài ra, ông Hà cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ coi trọng ngành du lịch hơn và sớm có Bộ Du lịch.
Tú Nguyễn