Tuy nhiên, trước khi muốn biết phi công thấy gì, chúng ta hãy tìm hiểu về hệ thống đèn trên máy bay. Từ mặt đất, chúng ta có thể thấy đèn LED cực mạnh của máy bay ở độ cao 35.000 feet (khoảng 10.000m). Đó không phải là đèn pha mà là đèn hiệu để giúp các phi công khác phát hiện ra máy bay trên không. Ở độ cao này, máy bay không sử dụng đèn pha theo nghĩa truyền thống, theo Telegraph.
Tim Sanders, phi công và huấn luyện viên bay cho biết: “Nhiều lần khi tôi vượt đại dương vào ban đêm, không có gì bên ngoài kính chắn gió ngoài bóng tối trong nhiều giờ liên tục. Khi các phi công học bay, chúng tôi phải sử dụng các thiết bị bay, cảm biến điều hướng và cảm biến thời tiết (chủ yếu là radar) để thay thế cho tầm nhìn bình thường vào ban đêm hoặc những thời điểm khác khi ở trên mây”.
Máy bay có đèn pha không?
Mặc dù máy bay không có đèn pha theo nghĩa truyền thống, nhưng lại có rất nhiều đèn chiếu sáng, mỗi đèn thực hiện một chức năng khác nhau.
Những đèn chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất là đèn hạ cánh được sử dụng ở sàn đáp khi tiếp cận sân bay. Chúng được đặt ở những vị trí khác nhau trên các loại máy bay khác nhau, từ cánh đến thân máy bay.
Hệ thống đèn này không chỉ giúp phi công hạ cánh vào ban đêm mà còn khiến máy bay “tỏa sáng” hơn đối với bất kỳ ai ở gần. Một số phi công sẽ nháy đèn hạ cánh ở lần tiếp cận cuối cùng hoặc khi họ đã triển khai thiết bị hạ cánh để cho tháp kiểm soát không lưu nhận biết.
Các đèn khác trên máy bay bao gồm đèn LED màu đỏ và xanh lục trên mỗi cánh để báo hiệu cho các máy bay khác vào ban đêm hướng máy bay đang quay – xanh bên phải, đỏ bên trái. Ngoài ra còn có đèn báo hiệu chống va chạm ở trên và dưới thân máy bay xoay màu cam đỏ để tạo hiệu ứng nhấp nháy. Chúng được bật miễn là động cơ của máy bay đang chạy.
Phi công có thể nhìn thấy gì từ buồng lái?
Làm việc trên mây trong bóng tối gần như tuyệt đối vào ban đêm, nhiều người nghĩ rằng tầm nhìn từ buồng lái của phi công là không nhiều. Tuy nhiên, theo phi công của không quân Mỹ, hiện đã trở thành phi công thương mại, Ron Wagner, có rất nhiều điều họ nhìn thấy được.
“Vào những đêm quang đãng đi về phía đông đâu đó xung quanh thành phố Oklahoma và Tulsa, tôi đã nhìn thấy ánh sáng của Dallas (290 km) và Houston (800 km) ở một hướng và thành phố Kansas (600 km) và St Louis (900 km) ở hướng khác, tất cả cùng một lúc”, anh nói.
Ngoài ánh đèn thành phố ở bên dưới, các phi công còn nhận thấy nhiều hiện tượng thời tiết, từ mây bão và sấm chớp cho đến cực quang.
Wagner cho hay: “Nói về những thứ khiến tôi sởn gai ốc trong buồng lái máy bay phản lực vào ban đêm là khi chúng tôi thấy Ngọn lửa St Elmo nhảy múa khắp kính chắn gió.
“Đôi khi nó dường như vào buồng lái và nhảy múa trên tấm chắn sáng. Có điều gì đó trong vô thức của tôi trở nên kỳ lạ khi nhìn thấy ánh điện nhảy múa vào ban đêm”, ông nói.
Ngọn lửa St Elmo tương tự như sấm chớp, thường xuất hiện vào ban đêm mà chỉ thủy thủ tàu viễn dương ngày xưa hay phi công ngày này, hiếm khi nhìn thấy từ mặt đất.
Các phi công đôi khi cũng vượt qua các máy bay khác, cách nhau vài trăm mét.
Phi công được huấn luyện để “hạ cánh bằng thiết bị” khi họ thực hiện phương pháp tiếp cận và hạ cánh trong điều kiện tầm nhìn tối thiểu, thường là do thời tiết khắc nghiệt, chỉ sử dụng thông tin và vị trí được cung cấp trên màn hình trong buồng lái.