Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Trần Văn Chiến đồng chủ trì phiên họp.
UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6.
Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH, đầu tư công; Sở Tài chính báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP – theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 26.898 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ (kế hoạch 2023 tăng 8% trở lên). Tỷ trọng nông – lâm – thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17,7% – 45,3% – 32,1% (kế hoạch năm 2023 là 18 – 19%; 46 – 47%; 29 – 30%).
UBND tỉnh đánh giá, kinh tế tăng trưởng tích cực hơn trong quý II/2023 với 5,25% (quý I/2023 là 2,21%) và đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 4,07%. So với vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá so với cùng kỳ với 126,5%.
Ước tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 6.042 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán, giảm 2,5% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 5.078 tỷ đồng, đạt 52,9% so dự toán, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP) 5.883 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán.
Đến nay, tỉnh giao chi tiết 100% vốn NSĐP, còn lại khoảng 171,6 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ chi tiết (tương đương 3,75% kế hoạch), trong đó số vốn ODA còn lại không có nhu cầu sử dụng là 103,7 tỷ đồng, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị hoàn trả NSTW.
Ước giải ngân đến 30.6.2023 khoảng 1.918 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 42% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Qua đánh giá, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đã nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân ngay từ đầu năm. Tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2023 của tỉnh xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố theo công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Du lịch vẫn là điểm sáng của tỉnh, Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến nổi bật trong cả nước, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Lượng khách tham quan khu, điểm du lịch đạt gần 3,5 triệu lượt với tổng doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách hành chính; thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm nhất là các đối tượng gặp khó khăn, thiếu hoặc mất việc làm. Quốc phòng – an ninh được bảo đảm, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 6.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn thấp hơn của cùng kỳ năm trước; công nghiệp đối diện nhiều khó khăn khi sụt giảm đơn hàng do nhu cầu giảm từ các thị trường chủ lực (Mỹ, EU, Trung Quốc…); tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm còn chậm…
Tại phiên họp, các địa phương báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH, đầu tư công, ngân sách nhà nước; những khó khăn trong quá trình thực hiện và đề ra những giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị từng ngành, từng địa phương đánh giá cụ thể các chỉ tiêu đạt thấp, giảm mạnh trong từng lĩnh vực để xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó đề ra giải pháp. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành sớm các quy hoạch làm cơ sở thúc đẩy kinh tế, thu hút đầu tư; tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi kinh tế; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và doanh nghiệp đầu tư đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương triển khai nhanh, kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có điều kiện thúc đẩy sản xuất.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư đã có chủ trương sớm hoàn thành các thủ tục để triển khai nhanh dự án trong 6 tháng đầu năm. Tập trung tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2023 trên tinh thần sau khi rà soát đánh giá, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí đầy đủ cho những hạng mục, công trình đầu tư công bảo đảm tiến độ, tích cực triển khai để hoàn thành sớm.
Tiếp tục đẩy mạnh thu ngân sách phấn đấu đạt và vượt; triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo sự chuyển biến toàn diện đồng bộ về cải cách hành chính, nâng cao các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, nhất là tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả của trung tâm điều hành, bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin đầy đủ về dữ liệu ở tất cả các ngành, lĩnh vực.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ công, nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4. Trong đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, nhất là những cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục đầu tư. Tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương công vụ, xử lý nghiêm các biểu hiện nhũng nhiễu tiêu cực. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trong đó, tập trung có giải pháp để kéo giảm mạnh tai nạn giao thông và tội phạm nghiêm trọng.
Ông Phạm Văn Đặng – Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh, tỉnh sẽ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ để phân công, bố trí chuyển đổi vị trí đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ tham mưu có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ rủi ro, sợ trách nhiệm mà không vì sự phát triển chung, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hình ảnh của tỉnh, để những vị trí chủ chốt đó phải là những người thực sự quyết tâm, năng động, sáng tạo.
Tại phiên họp, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp bệnh viện đa khoa tỉnh (giai đoạn 2), cụ thể điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 – 2022 thành năm 2019 – 2023. Việc trình điều chỉnh thời gian thực hiện dự án có nguyên nhân chủ yếu do yếu tố khách quan, vướng công tác bàn giao mặt bằng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và điều kiện thi công có nhiều khó khăn, phức tạp do phải tiến hành sửa chữa, cải tạo rất nhiều hạng mục mà vẫn phải bảo đảm hoạt động khám chữa bệnh bình thường của Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Qua tổng hợp ý kiến, các sở, ngành có liên quan đều thống nhất cần thiết trình gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2023 để chủ đầu tư có thêm thời gian tổ chức thi công hoàn thành phần khối lượng còn lại của công trình, nghiệm thu và bàn giao sử dụng toàn bộ dự án. Nội dung trình điều chỉnh thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về thời gian bố trí vốn thực hiện dự án không quá 5 năm đối với dự án nhóm B. Lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất thông qua tờ trình.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH, đầu tư công 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng cho ý kiến hai nội dung: Tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; Tờ trình đề nghị xây dựng Quyết định Quy định mức trích và tỷ lệ phân chia kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất khi Nhà nước thu hồi trên địa bàn tỉnh. Về cơ bản, UBND tỉnh thống nhất thông qua hai nội dung trên.
Trúc Ly