Xuất nhập khẩu hàng hoá tháng 5 khởi sắc, tăng 5,3% Lấy lại đà tăng, xuất nhập khẩu dần khởi sắc |
Để xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục phát huy nội lực, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng có thế mạnh, hướng tới những thị trường mới, tiềm năng…
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nguyễn Quang |
Xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi
Đánh giá về tình hình xuất, nhập khẩu tháng 5-2023, Bộ Công Thương nhận định, với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả nước phục hồi tích cực, tăng 5,3%, ước đạt 55,86 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước.
Nhóm nông sản tiếp tục là điểm sáng của hoạt động xuất khẩu trong tháng 5-2023 với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, “lội ngược dòng” tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả tăng gần 2 lần, ước đạt 500 triệu USD; gạo tăng 53,1%, đạt 530 triệu USD; cà phê tăng 28,5%, đạt 418 triệu USD…
Xuất khẩu tháng 5-2023 tăng trưởng so với tháng 4-2023, song tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải lý giải, nguyên nhân xuất, nhập khẩu giảm mạnh là do 2 năm 2021-2022 xuất, nhập khẩu nước ta đạt tốc độ tăng trưởng lớn, do vậy mốc chỉ tiêu so sánh khá cao. Ngoài ra, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) hạn chế tiêu dùng và lạm phát gia tăng. Đáng lưu ý, bên cạnh sự sụt giảm đơn hàng, giá hàng hóa xuất khẩu giảm cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng qua.
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Các chuyên gia dự báo, xuất, nhập khẩu sẽ còn gặp nhiều trở ngại và việc tăng trưởng lên đến 2 con số như giai đoạn trước sẽ khó đạt trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, việc khơi mở đúng thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng Việt và tập trung xúc tiến thương mại nhóm ngành hàng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng để gia tăng xuất khẩu. Trong đó, cần tập trung phát huy việc xuất khẩu các nhóm ngành hàng có ưu thế, nhất là nông sản, thực phẩm chế biến. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, cũng như xuất khẩu trực tuyến, tạo sức bật cho hàng Việt.
Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết, hiện nay Trung Quốc đang tăng mua trở lại các loại trái cây Việt Nam. Nếu nắm bắt tốt nhu cầu thị trường, xuất khẩu rau, quả từ nay tới cuối năm sẽ rất khả quan, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này có thể cán mốc 4 tỷ USD.
Trong khi đó, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mexico Lưu Vạn Khang cho biết, nhiều mặt hàng của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Mexico, quốc gia có dân số đứng thứ 11 thế giới, như nông sản chế biến, cà phê, tôm, cá tra… Còn theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa, nhu cầu về thực phẩm, thực phẩm chế biến tại thị trường Australia rất lớn. Để xuất khẩu vào thị trường này, các ngành hàng cần chú ý minh bạch về tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Các doanh nghiệp có thể gửi sản phẩm để thương vụ Việt Nam giới thiệu, quảng bá thông qua các hội chợ tại đây.
Trong nỗ lực tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần tăng cường chế biến sâu nông sản hàng hóa nhằm gia tăng giá trị. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, doanh nghiệp tập trung chế biến nông sản dưới dạng nano hòa tan như cà phê trái cây (vị dừa, sầu riêng), rau hòa tan hay dược liệu hòa tan. Nhờ nỗ lực sáng tạo nhiều dòng sản phẩm mới, có tính bản địa cùng hương vị độc đáo mà doanh nghiệp đã vươn ra chiếm lĩnh thị trường mới với doanh thu tăng mạnh sau đại dịch Covid-19.
Với thị trường Trung Quốc, việc chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch là bước đi quan trọng góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng Việt. Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu chính ngạch đang trở thành xu hướng chính, bền vững với nông sản, hàng hóa Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc công nhận thêm nhiều mặt hàng mới như khoai lang, sầu riêng đã tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, từ đó gia tăng sự hiện diện trên thị trường quốc tế.
Thực tế, xuất khẩu chính ngạch đã được nhiều doanh nghiệp triển khai như bước đi tất yếu, song vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa biết nắm bắt để kịp thời chuyển hướng. Bộ Công Thương đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển nhanh sang xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh tuyên truyền tới các doanh nghiệp, địa phương, vùng trồng để nhận thức rõ về vai trò của xuất khẩu chính ngạch. “Thời gian tới các hiệp hội và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về xuất khẩu chính ngạch nhằm sản xuất theo đúng tín hiệu, yêu cầu của thị trường, trong đó tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu”, ông Trần Thanh Hải nói.