Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững được giới thiệu rộng rãi. Qua đó, giúp nông dân trong tỉnh có điều kiện tham khảo, ứng dụng vào sản xuất của mình, nâng cao chất lượng sản phẩm… Trong đó, mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học của Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận là một trong số các điển hình.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, gạo Việt Nam cần thâm nhập các thị trường lớn, tăng tính cạnh tranh cao và bền vững. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi việc chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao và an toàn. Mặt khác xây dựng vùng nguyên liệu lúa an toàn, gạo an toàn gắn với doanh nghiệp tiêu thụ. Đây là một hướng đi đúng, nhằm tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân để tái cơ cấu ngành lúa gạo đi theo hướng chuyển từ thị trường cấp thấp sang dần các thị trường cấp cao và từng bước xây dựng được thương hiệu lúa gạo.
Riêng tại Bình Thuận, hiện nay nông dân các địa phương và các hợp tác xã đang ngày càng triển khai nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện mới môi trường, trong đó có các huyện Bắc Bình, Tuy Phong. Đặc biệt, hiện nay Trung tâm Giống nông nghiệp Bình Thuận đã và đang triển khai mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học, áp dụng mật độ sạ hợp lý, chỉ sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết. Đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ và giảm lượng phân bón hóa học. Nhờ đó, nên ít độc hại cho đất, thân thiện với môi trường. Gạo thu được đảm bảo an toàn và chất lượng phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay.
Theo đại diện Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học được thực hiện với diện tích 2 ha từ vụ hè thu năm 2022 đến nay. Giống lúa được sử dụng gieo trồng là ST25, cấp giống xác nhận, thời gian sinh trưởng 105 ngày. Giống lúa này có khả năng đẻ nhánh trung bình, hạt gạo thon dài, trắng, cơm mềm dẻo, lúa cứng cây, bộ lá thon gọn thuận lợi cho quá trình quang hợp, kháng sâu, bệnh khá.
Đáng chú ý, qua so sánh hiệu quả kinh tế giữa ruộng mô hình và ruộng sản xuất giống lúa ST25 theo tập quán nông dân, năng suất lúa ruộng mô hình không cao hơn ruộng nông dân, giá bán có cao hơn nhưng lợi nhuận như nhau. Nguyên do, ruộng mô hình phải mua lúa ST25 giống cao, làm cỏ, nhổ lúa chét bằng tay. Giá thành lúa bán ra của ruộng mô hình không cao hơn lúa ST25 sản xuất đại trà. Tuy nhiên, kết quả bước đầu cho thấy, mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn sinh học đã mang lại nhiều lợi ích. Đó là không chỉ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn, có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng. Mặt khác giảm thiểu được tình trạng dịch bệnh và chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng đồng thời tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, năng suất thu được 5,2 tấn/ha, giá bán lúa 9.000 đồng/kg, tổng thu là 46,8 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 11,7 triệu đồng/ha.
Theo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, để phát triển sản phẩm lúa gạo chất lượng cao theo hướng an toàn bền vững, đưa ngành lúa gạo hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, điều tiên quyết phải tổ chức lại sản xuất, sản xuất tập trung, hình thành cánh đồng lớn, liên kết hộ nông dân. Song song, tổ chức mô hình hợp tác sản xuất mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. Trong đó, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong tổ chức sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là vấn đề phát triển thị trường mới.