Ước tính ban đầu cho thấy chiến dịch tìm kiếm tàu lặn Titan có chi phí hơn 1,2 triệu USD, nhưng chưa rõ bên nào sẽ trả khoản này.
Khi được tin tàu lặn Titan của công ty OceanGate mất tích hôm 8/6 trong lúc thám hiểm xác Titanic ở độ sâu gần 4.000 m dưới đáy Đại Tây Dương, Tuần duyên Mỹ đã bắt đầu chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn. Nhiều lực lượng khác của Mỹ cùng Canada sau đó triển khai phương tiện, nhân lực tìm kiếm tại vùng biển cách Newfoundland của Canada khoảng 600 km.
Cho đến khi các mảnh vỡ của tàu Titan được phát hiện dưới đáy biển hôm 22/6, chính phủ Mỹ đã chi ra tối thiểu 1,2 triệu USD, theo ước tính sơ bộ của Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), cũng như nghiên cứu từ Washington Post.
Cancian cho hay ông đưa ra con số này dựa trên chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng phương tiện và nhân lực đã được huy động tham gia chiến dịch tìm kiếm. Con số cuối cùng có thể cao hơn, bởi dù chiến dịch tìm kiếm khép lại vào giữa ngày 23/6, một số chuyên gia và tàu lặn không người lái vẫn tiếp tục bám trụ hiện trường để khảo sát các mảnh vỡ.
Câu hỏi về tổng chi phí và bên nào phải chi trả hiện chưa thể trả lời, do còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Chiến dịch tìm kiếm có liên quan các công ty tư nhân và tàu nghiên cứu mang theo phương tiện điều khiển từ xa (ROV). Chính phủ Mỹ sẽ chỉ thanh toán cho những tổ chức này nếu họ ký hợp đồng với Lầu Năm Góc.
Tuần duyên thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nhưng được hỗ trợ bởi Hải quân và Không quân thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Để chi trả cho các nhiệm vụ như điều máy bay tìm kiếm trên biển, quân đội sẽ sử dụng “các quỹ phù hợp đã được phân bổ”, Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết. “Do đó, có những giờ bay đã được thanh toán”.
Tuy nhiên, quân đội Mỹ cũng sẽ phải giả định có những chi phí bất thường, theo Cancian, bởi nhân lực và thiết bị có thể được sử dụng cho hoạt động khác với kế hoạch ban đầu.
Ngoài Mỹ, hàng loạt nguồn lực quốc tế đã được triển khai, trong đó có tàu hải quân HMCS Glace Bay, tàu tuần duyên John Cabot, Ann Harvey, Terry Fox, phi cơ CP-140 Aurora, tàu Horizon Arctic của Canada, tàu nghiên cứu L’Atalante của Pháp, ROV từ Magellan, một công ty quốc tế chuyên về khám phá.
Mikki Hastings, chủ tịch Hiệp hội Quốc gia về Tìm kiếm và Cứu hộ Mỹ, nói thông tin về tổng chi phí của chiến dịch tìm kiếm chưa rõ ràng. “Mọi thứ vẫn đang diễn ra, do đó chúng ta sẽ chưa biết con số cuối cùng trong một thời gian nữa”, Hastings nói.
OceanGate Expedition, công ty sở hữu và vận hành Titan, sẽ không phải bồi hoàn chi phí tìm kiếm cho chính phủ Mỹ, Paul Zukunft, chỉ huy Tuần duyên Mỹ giai đoạn 2014-2018, nhận định. “Không có sự khác biệt giữa tìm kiếm tàu của một tổ chức với cứu nạn một cá nhân nào đó. Chúng tôi vẫn tìm kiếm và cứu hộ, không đưa họ vào danh sách chịu chi phí”, Zukunft nói.
Chính phủ Canada được cho là triển khai nhiều nguồn lực đến khu vực tìm kiếm hơn Mỹ, do xác tàu Titanic nằm gần lãnh thổ nước này hơn và yếu tố cấp bách của chiến dịch. Giới chức Canada đến nay từ chối bình luận về chi phí chiến dịch tìm kiếm.
“Tôi không có thông tin về chi phí, nhưng tin rằng điều này không mấy quan trọng”, Joyce Murray, Bộ trưởng về ngư nghiệp, đại dương và tuần duyên Canada, trả lời báo giới ngày 22/6. “Điều quan trọng là chúng ta có cơ hội để tìm kiếm và giải cứu tàu Titan”.
Theo bà Murray, “không có gì là quá nhiều”. “Chúng tôi cần nỗ lực hết sức có thể, bởi trên con tàu mất tích có nhiều sinh mạng và cần phải cứu họ”, bà nói thêm.
Ưu tiên hàng đầu trong các chiến dịch như vậy luôn là cứu người, và các công ty tìm kiếm cứu hộ đều có ngân sách cho hoạt động này, bà Hastings nói. Cơ quan khẩn cấp không muốn người gặp nạn phải nghĩ đến chi phí để triển khai một trực thăng hay nguồn lực khác để giải cứu họ.
“Bất cứ ai mất tích đều đáng được tìm kiếm. Đó là sứ mệnh, bất kể họ là ai”, theo bà Hastings.
Như Tâm (Theo Washington Post, AP)