Mức độ ngứa môi phụ thuộc vào nguyên nhân. Với nhiều trường hợp, ngứa môi đơn giản chỉ là do môi bị một vết nứt nhỏ và đang lành. Quá trình tự lành này sẽ gây cảm giác ngứa ngáy, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Một nguyên nhân khác là môi bị nứt nẻ do không khí khô lạnh. Tình trạng này rất thường xuất hiện vào những tháng mùa đông, khi nhiệt độ không khí xuống thấp. Da môi nứt nẻ sẽ gây cảm giác ngứa ngáy.
Về mặt y học, ngứa môi là một biểu hiện của viêm môi. Không chỉ ngứa ngáy, viêm môi còn kèm theo cảm giác đau và rát trên môi. Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, bệnh chàm hoặc nhiễm trùng đều là những tác nhân có thể gây viêm môi.
Trong một số trường hợp, các tác nhân bên ngoài như chất gây dị ứng trong một số sản phẩm như kem đánh răng, kem chống nắng hay son môi cũng có thể khiến các triệu chứng viêm môi thêm trầm trọng. Điều này đặc biệt đúng khi dùng các sản phẩm có hương liệu để tạo mùi thơm.
Tương tự, viêm môi cũng có thể do tiếp xúc với một số loại trái cây tươi có khả năng gây dị ứng và tạo cảm giác ngứa ran ở môi. Các loại trái cây có tính a xít cao thuộc họ cam quýt như chanh, bưởi, cam, quýt, tắc đều có thể gây ra tác động này với môi. Ngoài ra, viêm môi cũng có thể là do yếu tố thời tiết như gió khô nóng và nhiệt độ cao.
Ngứa môi cũng có thể xảy ra khi dùng một số loại thuốc, bị nhiễm trùng hay một số vấn đề sức khỏe như bệnh lupus, nổi mề đay mạn tính, thiếu chất, nhiễm virus herpes simplex hoặc lông mọc ngược.
Nếu đã loại bỏ các yếu tố như tác dụng phụ của thuốc, bệnh tật, chất gây dị ứng, thời tiết thì nguyên nhân có thể là do chính thói quen cắn hay liếm môi. Tình trạng này còn gọi là viêm môi do chấn thương. Từ bỏ các thói quen này sẽ giúp môi giảm viêm, giảm ngứa.
Môi bị ngứa do nhiễm trùng hay bệnh thì có thể điều trị bằng thuốc. Nếu nguyên nhân do dị ứng thì hãy xác định tác nhân gây dị ứng và phòng tránh. Uống đủ nước, duy trì độ ẩm phòng ngủ vào ban đêm và dùng son dưỡng môi có thể giúp giảm hiệu quả ngứa môi, theo Healthline.