Bài, ảnh: MỸ THANH
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ cùng với xu thế tiêu dùng thay đổi đòi hỏi hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp (DN), DN khởi nghiệp cả nước nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng cũng phải linh hoạt chuyển đổi. Ðó là những giải pháp kinh doanh đổi mới sáng tạo (ÐMST), ứng dụng công nghệ cao và phải nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tăng cường liên kết để huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới.
Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa giới thiệu bộ sản phẩm mới: chà bông thượng hạng đến với khách hàng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cho biết: “So với giai đoạn trước, môi trường kinh doanh của chúng ta đang dần thay đổi. Thế kỷ 21 là thời kỳ của 3C: thời kỳ của sự thay đổi (Change), sự cạnh tranh (Competition) không giới hạn và thời kỳ của khách hàng (Customer). Chính vì thế, nền kinh tế vốn tập trung vào nhà cung cấp trước đây đã chuyển sang nền kinh tế tập trung vào khách hàng, bị chi phối bởi khách hàng. Khách hàng là người quyết định từ giá cả, chất lượng đến thiết kế sản phẩm”.
Mặt khác, Theo Cục Phát triển thị trường và DN khoa học và công nghệ (KH&CN), Bộ KH&CN, năm 2022, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giảm mạnh 56% so với năm 2021, tuy nhiên, vẫn tăng 41% so với năm 2020. Tổng số thương vụ giảm 19% so với năm 2021, tuy nhiên tăng 28% so với số liệu năm 2020. Như vậy, sau sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021, bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sự bất ổn của ngành tài chính cùng với sự biến động của thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Trước thực trạng đó, không ít DN đang rơi vào khó khăn, tụt hậu. Ðể duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, đòi hỏi các DN phải không ngừng ÐMST về nhiều phương diện. Ông Lý Ðình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ÐMST quốc gia gợi ý các giải pháp liên kết thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST vùng ÐBSCL. “Mục tiêu và ý nghĩa liên kết vùng khởi nghiệp ÐMST là tạo ra một mạng lưới các DN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có thể chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, tài nguyên và cơ hội kinh doanh; tăng cường sức cạnh tranh của vùng trong khu vực và trên thế giới, thu hút được nhiều nhà đầu tư và các DN lớn hơn đến với vùng để hợp tác kinh doanh. Ðồng thời, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và tăng cường sức cạnh tranh bền vững của các tỉnh, thành trong vùng” – ông Lý Ðình Quân chia sẻ.
Thống kê cho thấy, hiện nay, tuổi thọ trung bình của các DN lớn đang có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 1955, tuổi thọ trung bình của một DN là 62 năm, thì đến năm 2005, con số này chỉ còn 15 năm. Các DN có tuổi thọ lâu dài đều có đặc điểm chung là: tập trung vào khách hàng, không ngừng ÐMST, chiến lược kinh doanh và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Ðể rút ngắn quá trình đổi mới, các chuyên gia đề xuất DN có thể áp dụng mô hình ÐMST mở. Qua đó, dùng nguồn lực, ý tưởng sáng tạo từ bên ngoài để áp dụng vào quá trình sản xuất của mình.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, ÐMST mở là khái niệm được sử dụng nhằm khuyến khích các DN khai thác được các nguồn lực ÐMST bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường. Ðể làm được điều đó, DN, DN khởi nghiệp cần tập trung vào các giải pháp: tổ chức các cuộc thi về ÐMST; thành lập vườn ươm DN qua 3 giai đoạn (tiền ươm tạo, giai đoạn ươm tạo và hậu ươm tạo); liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, các đề án 844, 939, 1665; kết hợp hoặc liên kết các chương trình, dự án quốc tế trong việc hỗ trợ các DN SMEs đang hoạt động tại địa phương…
Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, đề án quốc gia hỗ trợ địa phương: đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020-2025”; chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022-2030; đề án “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ”… Tại các địa phương, phong trào khởi nghiệp, ÐMST thời gian qua cũng được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Có khoảng 20 địa phương đã và đang xây dựng Ðề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ÐMST; 59 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Ðề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai tại địa phương; 39 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của HÐND quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ÐMST…
Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Ðể tận dụng tối đa các nguồn lực từ bên ngoài nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp ÐMST của thành phố, Sở KH&CN thành phố đã liên kết với các các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp từ các tỉnh, thành phố khác trong nước và quốc tế như Quỹ khởi nghiệp DN KH&CN Việt Nam – SVF, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – ITI Fund, Quỹ đầu tư mạo hiểm Expara, Hiệp hội đầu tư thiên thần Ðông Nam Á… Cùng với đó, triển khai mô hình thúc đẩy ÐMST và khởi nghiệp CASTI HUB; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, dự án khởi nghiệp ÐMST với tên gọi “STARTUPS STORE”. Nơi đây tập hợp và trưng bày hơn 100 sản phẩm khởi nghiệp của 40 đơn vị, qua đó quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của vùng, đồng thời hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường và kết nối đầu tư. Thành phố cũng đang xúc tiến xây dựng và hoàn thiện Ðề án thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và ÐMST TP Cần Thơ. Trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình mở gắn kết chặt chẽ với khu vực doanh nghiệp và khu vực trường đại học, viện nghiên cứu với định hướng trở thành hạt nhân kết nối trong khu vực ÐBSCL.
DN phải ÐMST và không ngừng ÐMST là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, ÐMST cần kinh qua các giai đoạn: giai đoạn truyền cảm hứng, giai đoạn định hình phát triển và giai đoạn hội tụ nguồn lực nền tảng. Cùng với đó, quá trình này cần có tổ chức điều phối chiến lược phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng để có định hướng, tối ưu hóa nguồn lực khi triển khai. Ðồng thời, xây dựng hệ thống đánh giá, đo lường phát triển và hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp vùng hằng năm; xây dựng mạng lưới kết nối nguồn lực chuyên sâu mentor, chính sách, nhà đầu tư, trung tâm hỗ trợ, trung tâm ươm tạo…