Những nỗ lực thành công trong công tác truyền thông chính sách tại một số cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (TTĐT), Báo Điện tử Chính phủ phần nào cho thấy rõ điều này.
Phải tạo ra những điểm nhấn, định hướng trong truyền thông chính sách
Khi báo chí đã thực sự trở thành kênh chủ lực truyền thông chính sách, việc các cơ quan báo chí phải tự làm mới mình, sáng tạo, đổi mới nội dung chính là yếu tố quyết định để có được cách truyền tải thông điệp của chính sách đến người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Trên thực tế, chưa có mô hình về truyền thông chính sách làm “hình mẫu” để các cơ quan báo chí, truyền thông vận dụng, học tập và thực hiện. Do đó, khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện chính là điều mà nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện.
Qua tìm hiểu trong giới báo chí, chúng tôi nhận thấy, một số cơ quan báo chí đã tìm ra hướng đi mới, sáng tạo, hiệu quả để thực hiện công tác truyền thông chính sách. Trong đó, cơ quan báo chí đầu tiên có thể kể đến là Báo Nhân Dân – Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện – kênh chính thống cho dòng chảy thông tin, truyền thông chính sách.
Với nhiệm vụ tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, Báo Nhân Dân đã không ngừng đổi mới và phát triển trong thời gian qua. Tòa soạn luôn chú trọng cách tuyên truyền các Nghị quyết, Chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết mới về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trên tinh thần đó, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã cho chủ trương xuất bản sáu phụ trương về các vùng kinh tế (6 chuyên trang) nhằm tuyên truyền kịp thời các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách bài bản và hiệu quả. Việc ra mắt 6 phụ trương đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đánh giá rất cao.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Phan Huy Thắng – Ủy viên Ban Biên tập, Thư ký Tòa soạn, Trưởng ban Thư ký – Biên tập Báo Nhân Dân cho biết, với 8 trang, Báo Nhân Dân hằng ngày không thể đủ dung lượng chuyển tải những nội dung về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), an ninh – quốc phòng (ANQP) của 6 vùng kinh tế trên cả nước. Do đó, việc ra 6 phụ trương đáp ứng yêu cầu cấp thiết về tuyên truyền.
“Bên cạnh Báo Nhân Dân hằng ngày ra 6 phụ trương thì trên Báo Nhân Dân điện tử, truyền hình Nhân Dân cũng xây dựng chuyên mục để bảo đảm công tác tuyên truyền của cơ quan truyền thông đa phương tiện”, ông Huy Thắng cho biết.
Theo ông Phan Huy Thắng, mỗi tuần, 6 phụ trương về 6 vùng kinh tế ra trong 3 ngày, mỗi ngày có 4 trang, mỗi vùng có 2 trang. Nội dung các phụ trương tập trung tuyên truyền đa dạng về nhiều lĩnh vực của 6 vùng gồm: Xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, ANQP, xây dựng nông thôn mới, phát triển – bảo tồn – giữ gìn văn hóa và chuyển đổi số, v.v…
Để có thể thực hiện khối lượng nội dung rất lớn trên 6 phụ trương này, ông Phan Huy Thắng cho biết, cách làm của Báo Nhân Dân là phối hợp với Ban Tuyên giáo của các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền để có được những thông tin nhanh nhất, chính xác nhất, bảo đảm tính định hướng, phù hợp quan điểm tuyên truyền của lãnh đạo địa phương.
“Thời gian qua, chúng tôi tiến hành xuất bản những chuyên trang đầu tiên đúng dịp kỷ niệm 72 năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951-11/3/2023), tính đến thời điểm ngày 8/5/2023 là vừa tròn 2 tháng, hiệu quả ban đầu được đánh giá rất tích cực. Những quan điểm chỉ đạo, công tác phối hợp tuyên truyền phát triển KT-XH, bảo đảm ANQP của các địa phương được chuyển tải trên các chuyên trang rất kịp thời, nhanh chóng, góp phần giúp Đảng bộ, chính quyền nhân dân các địa phương hiểu rõ hơn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm ANQP của 6 vùng kinh tế”, ông Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thắng cho biết, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa Báo Nhân Dân, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân với Đảng bộ, chính quyền các địa phương rất chặt chẽ. Khi có các hoạt động trao đổi thông tin rất nhanh. Thông tin trên các chuyên trang kịp thời, luôn bảo đảm tính thời sự.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu, ông Phan Huy Thắng nói: “Qua 2 tháng chúng tôi nhận thấy, nếu chúng ta có cách làm hiệu quả, tìm được cái mới trong tuyên truyền thì việc ra chuyên trang, phụ trương như vậy sẽ đóng góp rất tích cực trong công tác truyền thông chính sách, nhất là các Nghị quyết của Đảng về phát triển KT-XH, bảo đảm ANQP cho các địa phương. Việc ra được chuyên trang như vậy rất kịp thời, đáp ứng đúng mong muốn tuyên truyền của các địa phương. Trong lĩnh vực này, vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra những điểm nhấn; tìm được những cái mới để thu hút được bạn đọc”.
Phân tích thêm, ông Thắng cho biết, có thể thấy rằng những chuyên trang (phụ trương) mỗi một số báo ra đều có tính định hướng và sáng tạo khác nhau. Cũng là bàn về xây dựng Đảng nhưng xây dựng Đảng ở Trung du miền núi phía Bắc có khác gì so với công tác xây dựng Đảng ở vùng Tây Nguyên, khác gì công tác xây dựng Đảng ở vùng Đồng bằng sông Hồng và khác gì công tác xây dựng Đảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta phải tìm ra những cái mới để tuyên truyền.
“Mục đích chính là phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt tại các địa phương, các mô hình hay để người dân cả nước qua mô hình đó có thể học tập, làm theo. Bên cạnh đó, nêu lên những khó khăn, đề xuất giải pháp tháo gỡ những bất cập tồn tại. Vai trò của các đồng chí lãnh đạo cấp ủy các địa phương, các đồng chí Bí thư Chi bộ, các đồng chí lãnh đạo các địa phương có cách thức làm tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hiện nay rất cần tuyên truyền. Việc này đòi hỏi sự sáng tạo, chịu khó tìm tòi của các đồng chí phóng viên thường trú của địa phương đó, phối hợp với tòa soạn để đăng tải nhân rộng mô hình điển hình lên”, ông Thắng nêu rõ.
Chia sẻ thêm về cách làm truyền thông chính sách, ông Phan Huy Thắng cho rằng, mỗi cơ quan báo chí có đặc thù riêng, đối tượng bạn đọc riêng, tôn chỉ mục đích khác nhau thì mỗi cơ quan cần áp dụng cách thức phù hợp trong công tác truyền thông chính sách với đối tượng bạn đọc. Khi xây dựng chuyên trang thì việc đầu tiên cần tính đến là tài chính. Ví dụ như báo điện tử chỉ mất chi phí nhuận bút nhưng đối với báo giấy thì cần tính đến tiền in báo, phát hành. Nếu tính toán không kỹ lưỡng, cẩn thận sẽ không có tiền bù đắp, bởi hiện nay nhiều cơ quan báo chí thực hiện tự chủ về tài chính.
“Thời gian qua, đồng chí Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trong các chuyến công tác tại các địa phương đã đề nghị sắp xếp các buổi làm việc với Hội Nhà báo các địa phương. Qua các cuộc làm việc trao đổi thông tin như vậy, lãnh đạo Báo Nhân Dân đã chia sẻ những thuận lợi cũng như khó khăn trong quá trình làm báo của Báo Nhân Dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chia sẻ đặc thù làm việc của mỗi địa phương, mỗi cơ quan báo đài. Mô hình như vừa rồi Báo Nhân Dân ra 6 phụ trương các cơ quan báo đài địa phương thấy rất hay, muốn tìm hiểu, chia sẻ. Trong các cuộc gặp gỡ này, Báo Nhân Dân đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm để làm sao ra những phụ trương như vậy bảo đảm tính hiệu quả cả về thông tin, tuyên truyền và kinh tế”, ông Thắng cho biết.
Xây dựng chính sách, pháp luật không chỉ là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn là “xây dựng những giá trị nhân bản”
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (TTĐT), Báo Điện tử Chính phủ thời gian qua chính là một trong những cơ quan truyền thông chủ lực tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, hoạt động đối nội, đối ngoại; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đã tạo được dấu ấn truyền thông mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, công khai, minh bạch, nói đi đôi với làm; tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, thời gian qua, Cổng TTĐT Chính phủ đã xây dựng thành công chuyên trang Xaydungchinhsach.chinhphu.vn nhằm truyền thông chính sách một cách đầy đủ, cụ thể đến người dân, doanh nghiệp, đây cũng được coi như Diễn đàn của nhân dân, doanh nghiệp về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật.
Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Hồng Sâm – Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho biết, ý tưởng xây dựng một chuyên trang riêng về truyền thông chính sách đã được ấp ủ từ lâu, nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể hiện thực hóa. Đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 407, ngày 30/3/2022 về “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”, Thủ tướng Chính phủ đã giao Cổng TTĐT Chính phủ và một số cơ quan báo chí chủ lực xây dựng chuyên mục, chiến dịch truyền thông về dự thảo chính sách đối với nhân dân, doanh nghiệp, Cổng TTĐT Chính phủ đã ý thức được là “đường lớn đã mở”, cơ hội đã tới nên tập trung triển khai thần tốc.
“Từ hình thành ý tưởng, cấu trúc nội dung, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tổ chức nội dung chỉ hơn 2 tháng là chuyên trang đã ra mắt để phục vụ bạn đọc. Chuyên trang này được thiết kế với 4 chuyên mục chính là: Chính sách và cuộc sống; Tham vấn Chính sách; Chính sách mới; Hướng dẫn thực hiện chính sách nhằm mục tiêu tuyên truyền toàn bộ vòng đời của chính sách, pháp luật, từ ý tưởng lập pháp, đến quá trình xây dựng, ban hành, tuyên truyền phổ biến, tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.
Về công nghệ, chuyên trang Xây dựng chính sách được thiết kế trên cơ sở công nghệ web hiện đại nhất, tương thích tối ưu với các công cụ truy cập như máy tính để bàn (destop), điện thoại thông minh (mobile), máy tính bảng; cũng như tương thích với các nền tảng mạng xã hội,… nhằm tạo sự thân thiện và thuận tiện nhất cho người sử dụng cũng như bộ phận quản trị, vận hành (gồm sản xuất, xuất bản, quản trị nội dung, quản trị kỹ thuật, bảo đảm an ninh mạng)”, ông Sâm cho biết.
Về kết quả, theo ông Nguyễn Hồng Sâm, kể từ 20/6/2023 đến nay, chuyên trang đã thu hút được hơn 23 triệu lượt visit. Tỷ lệ truy cập, tỷ lệ bạn đọc mới, bạn đọc trung thành hằng tháng tăng liên tục ở mức 2 thậm chí là 3 con số và tháng nào cũng được GoogleAnalytics đánh giá là tăng trưởng ấn tượng. Đáng chú ý lượng truy cập vào chuyên trang phổ đều trong các khung thời gian, không phân biệt ngày thường, ngày nghỉ, ngày lễ, không có sự khác biệt về truy cập giữa giờ nghỉ và giờ làm việc.
Bên cạnh đó, Group Xây dựng chính sách, pháp luật của chuyên trang trên Facebook cũng đã có hơn 100.000 thành viên; tin bài của chuyên trang đăng trên zalo cũng thu hút hàng triệu lượt truy cập/1 ngày…
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, trước tiên, phải luôn xác định rõ quan điểm, phương châm hoạt động đó là: “Báo chí đồng hành – Báo chí giải pháp – Báo chí dữ liệu – Báo chí tương tác, chia sẻ”. Trong đó, “báo chí đồng hành” là đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, đồng hành cùng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đồng hành cùng các cơ quan trong hệ thống chính trị.
“Báo chí giải pháp” là nội dung các tác phẩm hướng tới luôn cố gắng tìm ra các giải pháp để giải quyết các vướng mắc, khó khăn; “báo chí dữ liệu” là cẩm nang về chính sách, pháp luật của bạn đọc; “báo chí tương tác, chia sẻ” để nhân lên giá trị thông tin và cũng là biện pháp thực hành dân chủ trong quá trình xây dựng pháp luật, để người dân được biết, được bàn, được làm, được thực thi, được thụ hưởng những giá trị của chính sách, pháp luật mang lại. Tất cả mọi chính sách đều hướng đến người dân, phục vụ nhân dân.
“Chúng tôi xác định mỗi chính sách, VBQPPL đều là kết tinh giá trị nhằm tạo ra những hành lang, chuẩn mực cho mọi hoạt động. Do đó, xây dựng chính sách, pháp luật không chỉ là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn là “xây dựng những giá trị nhân bản”. Chính vì vậy, truyền thông chính sách không đơn thuần là truyền thông về chính sách mà phải là truyền thông về giá trị và mỗi nhà báo làm truyền thông chính sách đều phải “đau đáu tư duy trên mảnh ruộng của mình” để mỗi tác phẩm thực sự là “điểm tựa, là niềm tin trong vòng xoáy thông tin” của xã hội đương đại”, ông Sâm nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Sâm, chuyên trang “Xây dựng chính sách” không chỉ “bán thông tin” mà phải hướng tới “bán sự thông thái” để phục vụ công chúng những món ăn tinh thần, tri thức thực sự “đắt giá”. Thông tin trên chuyên trang không chỉ mang tính thời sự mà còn phải mang tính thế sự, có “tuổi thọ lâu dài”, là cẩm nang của tư duy, hành động để mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân tự kiến tạo nên những giá trị mới cho chính mình, đóng góp vào tiến trình phát triển chung của xã hội, của đất nước trên con đường đi tới phồn vinh, hạnh phúc.
Để tiếp tục phát triển vững mạnh chuyên trang trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Sâm cho biết, bên cạnh việc xây dựng và sử dụng đội ngũ “Hội đồng cố vấn” để làm “túi khôn” cho chuyên trang, Cổng TTĐT Chính phủ cũng đang phối hợp với các đối tác công nghệ hàng đầu của Việt Nam với những chuyên gia đã được “thử lửa” trong các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để xây dựng các “Luật sư số”, “Gia sư số” trên nền tảng trí tuệ nhân tạo hướng tới tư vấn, hướng dẫn thực thi chính sách, pháp luật; dạy học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài…
Ông Nguyễn Hồng Sâm mong muốn chuyên trang xây dựng chính sách sẽ trở thành một hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng về xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; một địa chỉ tin cậy để phát huy sức mạnh của toàn thể Nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; để người dân thực sự được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát và được thụ hưởng những giá trị từ các chính sách ưu việt của chế độ mang lại.
Quốc Trần – Trâm Anh