Cảnh giác với bệnh tay chân miệng
Tuy số ca tay chân miệng trên địa bàn tỉnh không nhiều nhưng các chuyên gia y tế khuyến cáo nguy cơ số ca mắc và ca nặng sẽ gia tăng. Do vậy, mọi người nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và theo dõi sát tình trạng của trẻ để đưa đến cơ sở y tế kịp thời.
Vi rút EV71 gây bệnh nặng
Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 9.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong. Số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời cảnh báo sự xuất hiện của vi rút Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: Thời tiết đang bước vào giai đoạn nắng nóng cực đoan, tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang gia tăng trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Gần đây đã xuất hiện nhiều ca tay chân miệng nặng có biến chứng cần phải thở máy và lọc máu. Những diễn biến này có thể do năm nay thời tiết nắng nóng nhiều hơn. Bệnh này lây qua đường tiêu hóa do các loại virus đặc biệt là Coxsackie A16 và EV71, trong đó EV71 là loại gây biến chứng tổn thương ở tim, não, có thể dẫn đến tử vong. Thời gian qua, riêng tại BVĐK tỉnh tiếp nhận khoảng 7 – 8 bệnh nhân/tuần. Rất may là đến nay chưa phát hiện nhiều ca tay chân miệng biến chứng nặng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ bệnh tay chân miệng xảy ra theo chu kỳ. Theo dự báo của các nhà khoa học, năm nay bệnh sẽ bùng phát và EV71 là tác nhân chính khiến tình hình nghiêm trọng hơn.
Có con mắc tay chân miệng đang được điều trị ở Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, chị Võ Thị Kiều Diễm (ở TX An Nhơn), cho biết: Ở nhà cháu bị sốt, co giật, đầu gối bị nổi mụn nước, miệng lở. Tôi đưa cháu đi viện ngay. Nhà cửa được người nhà vệ sinh, sát khuẩn để bé khác không bị lây nhiễm.
Còn chị Phạm Thị Minh Tâm (ở huyện Vân Canh) chia sẻ: Con tôi bị sốt 39,5 độ, không biết bị bệnh tay chân miệng nên ở nhà tự điều trị hạ sốt 2 ngày nhưng không khỏi. Sau đó thấy cháu bị nổi hạt ở tay và chân nên gia đình đưa vào viện. Vào đây cháu đã hết sốt, bác sĩ tư vấn cho cháu ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng, đồng thời vệ sinh sạch sẽ cho cháu cũng như bản thân tôi và môi trường xung quanh. Biết đây là bệnh dễ lây nhiễm nên chúng tôi cũng rất hạn chế việc tiếp xúc.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh. Ảnh: Đ. THẢO |
Nâng cao ý thức phòng bệnh
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 13.6, toàn tỉnh ghi nhận 13 ca mắc bệnh tay chân miệng. Tuy số ca mắc trong tỉnh không cao nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam, UBND tỉnh, Sở Y tế đã chỉ đạo, đề nghị các cấp, ngành liên quan chung tay phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Sở đã yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các TTYT chủ động tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Ngoài công tác chuyên môn, các đơn vị còn phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch tay chân miệng trong trường học.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh tay chân miệng là tổn thương ở da, nhất là vùng tay, lòng bàn tay, kẽ ngón tay, ở mông, ở chân, đặc biệt ở đầu gối, lòng bàn chân, ở vùng miệng. Ngoài ra còn có biến chứng tổn thương ở thần kinh, biểu hiện sớm nhất là trẻ giật mình, chới với. Thứ 2 là bệnh nhân có dấu hiệu liệt, rung tay, chân, yếu một tay, một chân, hoặc bệnh nhân ngồi không vững, đứng dễ té. Sau đó, sẽ đến giai đoạn tổn thương thần kinh nặng như hôn mê, trụy tim mạch, sốt cao liên tục. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải cố gắng phát hiện sớm khi cháu bị tổn thương ở vùng da và đưa đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, hướng dẫn cách điều trị tại nhà. Những dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện, như: Trẻ sốt cao liên tục, trẻ nôn nhiều, trẻ có dấu hiệu rung tay chân, giật mình chới với… cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh tay chân miệng, bác sĩ Phạm Văn Dũng cũng khuyến cáo các phụ huynh và nhà trẻ: Trong tình hình nắng nóng, bệnh tay chân miệng gia tăng và đặc biệt là chủng EV71 dẫn đến biến chứng nặng, phải hết sức lưu ý, đảm bảo cho trẻ ăn chín, uống sôi, tăng cường rửa tay. Người cho trẻ ăn phải rửa tay sạch, khi chuẩn bị dụng cụ ăn và sau khi đi vệ sinh. Riêng các nhà trẻ nên có kế hoạch vệ sinh hằng ngày, hằng tuần, sát khuẩn các dụng cụ trẻ chơi. Khi phát hiện trẻ bị tay chân miệng ở nhà trường, nên hướng dẫn phụ huynh đến khám bệnh và được cách ly, tránh tình trạng lây bệnh cho những trẻ khác.
ÐỖ THẢO