Chính phủ được giao thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Nội dung này được nêu tại Nghị quyết chung kỳ họp thứ 5, được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 24/6, với gần 97,4% đại biểu tán thành.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ sớm xử lý các bất cập trong môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn, tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/6, nhiều đại biểu nêu những bất cập trên thị trường bảo hiểm, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được nhà bảo hiểm quảng cáo là có ý nghĩa bảo vệ rủi ro và có thêm quyền lợi đầu tư sinh lời. Nhưng trên thực tế, khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ rất nhiều chi phí, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư.
Tại Nghị quyết kỳ họp, Quốc hội cũng giao Chính phủ có giải pháp kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài. Việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần linh hoạt, đề xuất cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, thuế carbon và giải quyết dứt điểm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng; đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân. Những khó khăn của thị trường tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu, bất động sản… cần được thúc đẩy gỡ vướng.
Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Quốc hội yêu cầu xây dựng tiêu chí, phương pháp xác định hạn mức này với các ngân hàng. Chính phủ được giao xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài, ngân hàng, doanh nghiệp vi phạm, không để phát sinh tổn thất tiếp theo.
Tình trạng mất điện, cắt điện diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Vì thế, Quốc hội cũng yêu cầu khắc phục kịp thời, căn cơ thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng.
Cũng tại Nghị quyết, Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank. Số vốn được bổ sung tương ứng số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước 2021-2030 của nhà băng này.
Trong đó, hơn 6.700 tỷ đồng sẽ được lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt. Phần còn lại 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ này đúng quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu, quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Việc tăng vốn giúp Agribank đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II. Có thêm vốn sẽ giúp ngân hàng này cải thiện xếp hạng tín nhiệm, tăng giá trị thặng dư khi cổ phần hóa. Việc tăng vốn cũng là cơ sở để ngân hàng tăng quy mô hoạt động, mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Lần gần nhất Agribank được Quốc hội đồng ý bổ sung vốn điều lệ là năm 2020, với mức tăng 3.500 tỷ đồng. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng sẽ nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.
Năm 2022, Agribank báo lợi nhuận trước thuế hơn 22.000 tỷ đồng, thuộc top 5 nhà băng lãi cao nhất hệ thống. Dư nợ tín dụng của ngân hàng đến hết năm ngoái tăng trưởng 9,8% so với đầu năm trong khi huy động vốn chỉ tăng hơn 5%.