Đó là cuộc “giới thiệu sách” vô tiền khoáng hậu mà tôi chứng kiến. Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy đọc bài giới thiệu về nhà thơ Tường Phong trong cuốn sách “Nặng hơn cầm phấn” (mà chị cùng PGS.TS. Bửu Nam đồng chủ biên) cho nhân vật chính đang nằm trên giường bệnh nghe. Quyển sách hôm ấy là bản in thử, còn thơm mùi mực, nặng ân tình của nhóm biên soạn và cả nỗi lo sợ “chạy đua” cùng bệnh tật của nhà thơ, để ông sớm nhìn thấy công trình nghiên cứu, giới thiệu 23 tác giả với điểm chung là cựu sinh viên Ban Việt văn – Việt Hán Trường đại học Sư phạm Huế, từ khóa tuyển sinh đầu tiên cho đến năm 1975. Quá nửa trong số đó là những tên tuổi thật sự của nền văn học Việt Nam hiện đại, mà ông, nhà thơ Tường Phong – Nguyễn Đình Niên là một trong số đó.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy đọc bài viết của nhà văn Trần Thùy Mai viết về ông “Tường Phong và thơ của người cô độc”, nước mắt ông chảy dài trên má, dòng nước mắt hiếm hoi của người già, mà lại là của người đột quỵ nằm liệt giường đã mấy năm nay, là “những giọt nước mắt kim cương”. Chốc chốc nghe “trúng” câu tâm đắc, thấu tận ruột gan, ông ngọng nghịu thốt lên “Hay quá!”, “Hay quá!” và nước mắt lại chảy. Với ông bây giờ, một nụ cười, một cử động nhỏ hay một vài từ thốt ra khó nhọc, tất cả đều quý giá đối với gia đình. Người cháu gái chăm ông cho biết: “Ông đau nằm đã lâu nhưng vẫn còn tỉnh táo, nghe được nhưng nói hơi khó, hôm nay có mấy chị đến thăm, đọc thơ, ông vui và khỏe lên nhiều đó”.
Tôi nhìn hai chị Tịnh Thy và Thùy Trang chăm chút ông, đọc sách và trao sách tặng ông, ông không phải đang nằm trên giường bệnh mà đang sống hạnh phúc trong thế giới thơ của riêng mình. Giây phút ấy, tôi nhận ra thơ mãi mãi là giá trị cứu rỗi, mãi mãi là những gì sâu thẳm nhất, chung thủy nhất và ở lại sau cùng nhất với Tường Phong.
Cuộc đời thơ của Tường Phong – Nguyễn Đình Niên, nếu tính từ năm 1958, lúc ông 22 tuổi, với tập thơ đầu tay “Trăng phương Đông” cho đến tập thơ thứ hai – ra đời vào năm 2007 “Thơ của người cô độc”, là 49 năm. Gần 50 năm viết 57 bài thơ, Tường Phong thuộc vào hàng quá “quý hồ tinh với thơ”. Tôi hình dung ông bước vào thế giới thi ca như một người hành lễ bước vào ngôi đền thiêng, tâm hồn trong sáng và thánh thiện, mỗi một cử động đều nghiêm cẩn và thành kính, mỗi con chữ viết ra được chắt lọc như là ngọc, là kim cương, phải là sự lựa chọn cuối cùng của chữ nghĩa…
“Tường Phong, thơ của người cô độc” gồm ba phần. Phần thứ nhất là “Trăng phương Đông” (tập thơ đầu tay, xuất bản năm 1958), phần thứ hai “Vẫn là tình nhân” và phần thứ ba “Thơ của người cô độc”. Ba phần thơ cũng chính là ba chặng đời của Tường Phong. Chặng đời và thơ đầu tiên, “Trăng phương Đông” là một chàng trai Nguyễn Đình Niên 22 tuổi với tâm hồn lãng mạn, mơ mộng. Ngay khi ra đời “Trăng phương Đông” đã được bạn đọc yêu mến và là một trong những tập thơ hay hiếm hoi ở Huế thời ấy. Người ta thấy trong ấy có vẻ đẹp bảng lảng bóng dáng Đường thi với những ước lệ, điển tích “Ngạo cười những chuyện xưa sau/ Hát ngao ngoài bãi Thương châu lạnh lùng” (Tống biệt), “Riềm mộng u huyền thoảng dáng sương/ Xiêm y ngan ngát nhạc Nghê Thường” (Mười sáu tháng Tám); cũng vừa có nét mộc mạc, dân gian mà gợi cái tình tuổi hoa phố thị “Hoa cúc chưa vàng như gió may/ Trời chưa phai nhớ buổi Thu gầy/ Hỡi người em nhỏ sầu khuê các/ Gấm lụa chưa về Thơ vẫn say” (Mười sáu tháng Tám).
Chặng đời và thơ thứ hai “Vẫn là tình nhân”, đây là khoảng thời gian Tường Phong đi dạy, khoảng từ năm 1969 đến 1990. Đoạn đời này nhà thơ cũng đã bước qua tuổi “tam thập nhi lập” – tình yêu – dù nhớ thương hay tiếc nuối – đã có sự điềm đạm của tuổi, “Tương tư đọng lại bao nhiêu gió/ Chắt lại bao nhiêu tiếng thở dài” (Bao nhiêu gió?). Có điều lạ là, dù tiêu đề là vậy nhưng thơ phần này, Tường Phong nói nhiều về cái chí của người làm trai “Rồi ra ta cũng đi luôn/ Như mây in dấu nỗi buồn thiên thu” (Quên), “Khất sĩ trong thiên hạ/ Còn ai hơn được ta/ Hồng non một chiếc lá/ Cỡi gió mà đi qua” (Miền hoa hạ).
Phần thứ ba “Thơ của người cô độc” – là phần thơ gắn liền với đoạn đời đau ốm, bệnh tật của Tường Phong. Đây là phần thơ đặc biệt, một bài thơ dài gồm 99 đoạn thơ ngắn, mỗi đoạn ba dòng, như là một dạng nhật ký không ghi ngày, ghi lại những cảm xúc rời rạc. Đoạn thì triết lý về cuộc sống, đoạn thì nhớ thương, đoạn hồi tưởng, đoạn kể chuyện, đoạn độc thoại với cuộc đời: “Mây trắng ta trả núi/ Tiền bạc trả lại cho người đời/ Xương thịt trả cho đất”. Có cái gì đó như là huyên thuyên giữa các đoạn thơ, có lẽ đó là những khoảng lặng giữa những cơn đau của bệnh tật. Tuyệt vời thay, giữa những điều như là rời rạc ấy, vẫn lấp lánh một trí tuệ minh mẫn, một khối kiến thức cổ kim Đông Tây rành mạch và cả một tâm hồn trẻ thơ cũng theo về khi ông mơ làm lão Ngoan Đồng “Ta là Lão Ngoan Đồng/ Cỡi cá sấu ngao du trên biển/ Còn ai là Anh Cô?”
Trong căn nhà nhỏ ở Thành Nội, có một người thơ và một tập thơ vừa được giới thiệu thêm lần nữa với mọi người. Những thế hệ hậu sinh của Ban Việt văn – Việt Hán (nay là Khoa Ngữ văn) Trường ĐHSP Huế, bạn yêu thơ đã đến với nhà thơ Tường Phong – Nguyễn Đình Niên, đọc thơ ông, thương cảm và quý trọng con người nhìn sự đau khổ trong cuộc đời như là một thử thách nuôi dưỡng tâm hồn: “Sự đau khổ làm ta thánh thiện/ Có gì đâu phải khóc?”.
“Thơ của người cô độc”, đó chỉ là khi làm thơ thôi, và bây giờ thì tác giả và thơ đã ở trong lòng yêu mến của mọi người. Thơ không cô độc cũng như người làm thơ không bao giờ cô độc.