Đến dự tọa đàm và trao đổi cùng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang có ông Ngô Trung Dũng – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thiên Nga – Giám đốc Chiến lược và Định vị sản phẩm, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam.
Bảo hiểm nhân thọ và những điểm sáng trong hành trình 25 năm gia nhập thị trường Việt Nam
Trong một phỏng vấn gần đây trên Thời báo Tài chính Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, mặc dù còn rất non trẻ nếu so với lịch sử hàng trăm năm của thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định. Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân khoảng 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.
Bổ sung thêm chia sẻ trên, tại tọa đàm, ông Ngô Trung Dũng cho biết năm 2022, ngành bảo hiểm đầu tư ngược vào nền kinh tế trên 592.000 tỷ đồng, mang đến việc làm hợp pháp cho thị trường lao động với tổng số gần 800.000 người lao động và là “tấm lá chắn” trước các rủi ro trong cuộc sống với tổng số tiền chi trả quyền lợi trên 53.000 tỷ đồng.
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng trên thị trường hiện có một số ý kiến cho rằng bảo hiểm “mua dễ, khó đòi”. Trước thông tin này, ông Ngô Trung Dũng bày tỏ, một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề này có thể kể đến là thực trạng tư vấn viên tư vấn qua loa, khách hàng mua vì cả nể, không đọc kĩ hợp đồng bảo hiểm, chưa hiểu rõ quyền lợi dẫn đến bảo hiểm là sản phẩm “dễ mua” nhưng “khó đòi” và phần nào đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành bảo hiểm nhân thọ.
Lấy lại niềm tin của khách hàng: Kết hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng
Sau quá trình tăng trưởng nhanh về “lượng” thì đây là cơ hội trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược giúp thị trường bảo hiểm Việt Nam có bước chuyển tích cực về “chất”, lấy lại niềm tin cho khách hàng.
Một điểm nhấn khác của ngành bảo hiểm đó là Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã chính thức được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Theo ông Ngô Trung Dũng, khung pháp lý mới kỳ vọng sẽ tạo ra “cú huých” và những thay đổi cơ bản nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam minh bạch, lành mạnh với các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
“Thứ nhất, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung thêm nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, ví dụ như điểm loại trừ bảo hiểm. Tiếp theo, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm ghi âm quá trình tư vấn liên kết đầu tư và lưu trữ ghi âm ấy trong vòng 5 năm, để đảm bảo người tham gia bảo hiểm được tư vấn đầy đủ. Nếu có khúc mắc, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có bằng chứng để tránh những lùm xùm không đáng có”, ông Ngô Trung Dũng giải thích thêm.
Đại biểu tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Giải mã bảo hiểm nhân thọ”.
Từ góc độ của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thiên Nga cho biết để phục vụ tốt nhất và đảm bảo quyền lợi nhất cho khách hàng, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm có thể tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của mình. Ngoài ra, việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo cho đại lý, các tư vấn viên cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.
Tiếp lời bà Nga trong việc rà soát hoạt động của các doanh nghiệp, ông Ngô Trung Dũng cho biết các cơ quan quản lý như Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã và đang tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Tuy nhiên, để tạo ra một thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững thì chỉ những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm là chưa đủ. Theo ông Dũng, người tham gia bảo hiểm cũng là một nhân tố quan trọng để ngành phát triển. Người tham gia bảo hiểm nên xác định rõ nhu cầu của mình trước khi đến gặp tư vấn viên và tư vấn viên sẽ tư vấn dựa trên nhu cầu mà người tham gia mong muốn như bảo vệ, tích lũy, đầu tư.
Ông Ngô Trung Dũng cũng khuyên người tham gia bảo hiểm trước khi đặt bút ký, phải tìm hiểu tường minh và cặn kẽ, có quyền yêu cầu đại lý tư vấn đầy đủ.
Prudential ra mắt bộ hợp đồng bảo hiểm mới, cô đọng thông tin giúp người tham gia bảo hiểm dễ dàng truy vấn
Trước những thắc mắc của người dân về việc vì sao hợp đồng bảo hiểm quá dài và nhiều điều khoản, ông Ngô Trung Dũng giải thích, hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng dịch vụ tài chính dài hạn và mang tính đặc thù, vì vậy bắt buộc phải có điều khoản chi tiết với các thuật ngữ chuyên ngành.
Để giúp khách hàng hiểu rõ bộ hợp đồng bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Thiên Nga cho biết, vừa qua Prudential đã giới thiệu bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới 2023, cô đọng những thông tin thiết yếu với đầy đủ giá trị pháp lý, giúp khách hàng dễ truy vấn, nắm rõ được những điểm quan trọng, các quyền lợi, nghĩa vụ cơ bản khi tham gia bảo hiểm. Có thể thấy, đây là nỗ lực lấy khách hàng làm trọng tâm trong các hoạt động từ phía doanh nghiệp.
Dù còn nhiều thách thức nhưng với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, các diễn giả đều tin tưởng ngành bảo hiểm sẽ phát triển minh bạch, lành mạnh, củng cố niềm tin của khách hàng, phát triển chất lượng hơn và đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế và an sinh xã hội. Từ đó, phát huy vai trò lá chắn trước các rủi ro khó lường trong cuộc sống.
Bài và ảnh: BẢO TRÂN