Sáng qua 22/6, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh chủ trì buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với Sở NN&PTNT để nghe báo cáo nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng cùng các vấn đề khác của ngành nông nghiệp.
Sở NN&PTNT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh ước đạt 8.500 tỷ đồng; diện tích sản xuất rau củ quả an toàn được nâng lên, trong đó diện tích rau có chứng nhận đạt chuẩn là 85,1ha, duy trì 9 mã số vùng trồng đối với dưa hấu, ớt, măng cụt… xuất bán thị trường các nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 275 sản phẩm 3 sao và 58 sản phẩm 4 sao. Nhiều hình thức liên kết sản xuất trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đang có hướng phát triển thuận lợi, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân…
Trong số 117 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 104 xã không thể duy trì chuẩn theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022 – 2025 (bình quân còn 14,03 tiêu chí/xã); có 213/957 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư/thôn kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2023, từ nguồn vốn ngân sách trung ương và của tỉnh, UBND tỉnh phân bổ 598.902 tỷ đồng cho các địa phương, đơn vị triển khai chương trình nông thôn mới. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vốn đến nay còn chậm, chỉ đạt 2%.
Giai đoạn 2015 – 2018, ngành lâm nghiệp đã cắm mốc ranh giới lâm phận của 9 ban quản lý rừng với 2.893 mốc, bảng được cắm trên diện tích lâm phận 342.000ha.
Đồng thời tham mưu UBND tỉnh giao khoán bảo vệ hơn 429.293ha rừng; khoanh nuôi tái sinh rừng 4.019ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất hơn 1.496ha, rừng phòng hộ 50ha; trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng cho 3.383 hộ/13.923 nhân khẩu…
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, thời gian qua, mặc dù các địa phương, đơn vị có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác giữ rừng gắn với sinh kế của người dân nhưng qua khảo sát thực tế, việc phát huy giá trị kinh tế rừng còn nhiều hạn chế, chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội cho đồng bào miền núi triển khai chưa đồng bộ, tiến độ giải ngân vốn còn chậm, chưa tạo được lực đẩy đáng kể trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…