Tôi 45 tuổi, bị viêm gan B hai năm nay. Gần đây, tôi thấy da vàng; hay đau vùng bên phải bụng; chán ăn, mệt mỏi…
Xin hỏi cách phát hiện ung thư gan sớm? (Trần Thanh, Vĩnh Phúc)
Trả lời:
Ung thư gan là một trong 5 căn bệnh ung thư thường gặp trên thế giới. Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, ung thư gan đứng đầu về tỷ lệ mắc mới (hơn 26.000 người) và tử vong tại Việt Nam (hơn 25.00 người).
Ung thư gan giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng nên khó phát hiện hoặc dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu phát hiện ung thư gan ở giai đoạn này có thể điều trị khỏi bệnh bằng các phương pháp như phẫu thuật, ghép gan, đốt sóng cao tần, đốt vi sóng…
Ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như mệt mỏi, sút cân, đau và sưng vùng bụng trên hạ sườn phải, cổ trướng (bụng to), gan to, vàng da, nước tiểu sẫm màu, da nổi nhiều mụn, ngứa… Trong đó, triệu chứng vàng da, đau bụng bên phải, sụt cân, mệt mỏi, chán ăn thường gặp nhất.
Một số dấu hiệu anh đang gặp khá giống với triệu chứng cảnh báo ung thư gan. Tuy nhiên, để xác định chính xác bệnh, anh nên thăm khám bác sĩ sớm. Bên cạnh đó, những người có các dấu hiệu như đau vùng gan, sốt, sụt cân và các triệu chứng khác trong hai tuần liên tiếp cũng nên khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi khối u đã lớn, chèn ép, gây đau, di căn, cơ thể khó đáp ứng hiệu quả với các phương pháp điều trị, giảm tỷ lệ sống sót. Với khối u kích thước lớn hoặc nhiều khối u cùng lúc, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các phương pháp: nút mạch, nút mạch hóa chất, truyền hóa chất động mạch gan, thuốc điều trị đích, thuốc điều trị miễn dịch…
Người mắc viêm gan B có nguy cơ ung thư gan cao hơn người bình thường. Đây là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan trên thế giới. Những người này nếu có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh em ruột bị xơ gan hoặc ung thư gan thì càng có nguy cơ cao hơn. Ngoài mắc các bệnh về gan, những yếu tố khác làm tăng khả năng ung thư ở cơ quan này như thường xuyên uống nhiều rượu bia, thừa cân, béo phì… Nam giới thường bị ung thư gan nhiều hơn nữ giới, tuổi càng cao khả năng mắc bệnh càng tăng.
Do đó, người bệnh viêm gan B cần theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bị viêm gan tầm soát ung thư gan định kỳ 6 tháng một lần có thể phát hiện sớm ung thư để kịp thời điều trị. Các phương pháp tầm soát bệnh ở giai đoạn sớm như siêu âm gan, xét nghiệm chức năng gan, xét nghiệm virus viêm gan B, viêm gan C, xét nghiệm chỉ điểm ung thư gan trong máu (ví dụ: AFP, PIVKA-II…), trong trường hợp cần có thể chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ.
Điều trị ung thư gan cơ bản nhất là điều trị triệt căn và điều kiện cần là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Có ba yếu tố quyết định việc điều trị ung thư gan hiệu quả gồm: điều trị triệt căn nhằm cắt trọn khối u gan hoặc phá hủy toàn bộ khối u. Điều trị giai đoạn trung gian với mục đích thu nhỏ kích thước khối u rồi mới bắt đầu điều trị triệt căn. Điều trị mang tính bổ trợ, chăm sóc giảm nhẹ cho những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Đây là những phương pháp điều trị vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng chất lượng cuộc sống nhưng lại không đảm bảo kéo dài được thời gian sống.
TS.BS Trần Hải Bình
Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Bạn đọc có thắc mắc cần bác sĩ giải đáp có thể đặt câu hỏi tại đây.