Giá xăng dầu hôm nay 24/6, thế giới đã có một tuần lao dốc do lo ngại về suy thoái gia tăng sau quyết định nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đẩy mạnh kiểm soát lạm phát và sự mạnh lên của đồng USD.
Giá xăng dầu hôm nay 24/6, thế giới có một tuần lao dốc do lo ngại về suy thoái sau quyết định nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Giá dầu chỉ biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày 23/6. Theo Reuters, giá dầu giảm chưa đến 50 cent, củng cố đà giảm của giá dầu trong tuần, do các thương nhân lo ngại việc tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu mặc dù có dấu hiệu nguồn cung thắt chặt hơn.
Giá dầu Brent giảm 29 cent, tương đương 0,4%, xuống mức 73,85 USD/thùng. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ giảm 35 cent, tương đương 0,5%, xuống mức 69,16 USD/thùng.
Ở phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent đã giảm khoảng 3 USD sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất nửa điểm phần trăm, cao gấp đôi dự kiến, lên 5%. Các ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất.
Tính cả tuần, hai mặt hàng dầu chuẩn đã giảm giá hơn 3,5%, ghi nhận tuần giảm giá, đảo ngược nỗ lực leo dốc của tuần trước.
Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất. Theo Reuters, sau quyết định giữ nguyên lãi suất trong tháng của Fed, khả năng cao sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất tại Mỹ. Sau bình luận của Chủ tịch Fed về khả năng này, bình luận từ Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly rằng thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự đoán “rất hợp lý” càng củng cố cho dự đoán Fed sẽ tăng ít nhất 50 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm.
Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial, cho biết dường như có một loại giao dịch “phòng ngừa rủi ro” ngày càng tăng đối với dầu thô, được kích hoạt bởi việc tăng lãi suất ở Liên minh châu Âu (EU) và các con số đến từ Trung Quốc.
Kissler cho biết thêm, việc ngân hàng Anh tăng lãi suất đã kích hoạt việc thanh lý quỹ và các nhà sản xuất năng lượng đang chuyển sang tâm lý “phòng ngừa rủi ro”.
Thông thường, lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư cũng làm tăng giá trị của đồng USD, gây áp lực lên giá dầu.
Giới phân tích nhận định, giá dầu lao dốc do lo ngại về suy thoái gia tăng sau quyết định nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đẩy mạnh kiểm soát lạm phát và sự mạnh lên của đồng USD.
Ngày 22/6, hàng loạt ngân hàng trung ương tại khu vực châu Âu đồng loạt tăng lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, cao gấp đôi so với dự kiến. Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Trong khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 24/6 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít. Dầu diesel không quá 18.174 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 17.956 đồng/lít. Dầu mazut không quá 14.587 đồng/kg. |
Giá xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương chiều 21/6, với giá xăng giữ nguyên, giá dầu diesel và dầu hỏa tăng nhẹ chưa đến 150 đồng/lít, trong khi giá dầu mazut giảm 132 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ đã quyết định tiếp tục giảm mức trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu và tiếp tục không chi Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 6 lần giảm, và 3 lần giữ nguyên.