Gần đây, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đăng tải các vụ bạo lực gia đình nhưng phần lớn là người chồng bạo hành đối với vợ, con. Nhiều vụ để lại hậu quả rất thương tâm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có nhiều nguyên nhân của vấn nạn trên như: do ghen tuông tình ái; do khó khăn về kinh tế đời sống; do nghiện ngập rượu chè, cờ bạc; thói quen, lối sống buông thả… Song, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ tư tưởng trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến, mặc dù đã được tuyên truyền vận động, đấu tranh ngăn chặn và điều chỉnh hành vi bằng các quy định của pháp luật nhưng đến nay vẫn còn tồn tại trong đời sống của người Việt.
Ảnh minh họa.
Trọng nam khinh nữ là vấn đề cũng có tính toàn cầu. Các nghiên cứu về đời sống của người phụ nữ theo đạo Hồi đều khẳng định phụ nữ phải mặc che kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể trước mặt bất cứ người đàn ông nào bao gồm cả mặt và tay… Và đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Thượng đế đã sinh ra đàn ông cao quý hơn đàn bà; đàn ông có quyền lấy nhiều vợ nhưng đàn bà chỉ được lấy một chồng. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 có đoạn: “Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mỗi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Tuyên ngôn là vậy nhưng sự “tự do, bình đẳng” đó, trên thực tế chỉ dành cho người đàn ông. Vì phụ nữ Mỹ không được đi bầu cử người đại diện của mình để quản lý, điều hành xã hội. Mãi đến năm 1920, nghĩa là sau gần 150 năm Tuyên ngôn độc lập ra đời, do cuộc đấu tranh bền bỉ của phụ nữ, đứng đầu là bà Su Sen Anthony, phụ nữ Mỹ mới được đi bầu cử như đàn ông.
Truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam trong quan hệ giữa người với người là “Thương người như thể thương thân”; là “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Từ mối quan hệ có tính phổ quát đó, các mối quan hệ vợ – chồng; cha mẹ – con cái đều thể hiện được tình yêu thương, chia sẻ, đùm bọc giúp đỡ nhau trong các hoàn cảnh đói no, vận hạn, giặc giã. Truyền thống đó được lưu truyền trong kho tàng truyện cổ tích mà nổi bật là các truyện: Sự tích quả dưa hấu, truyện Trương Viên, Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa… Qua đó nói lên tình cảm vợ chồng là nghĩa “tào khang”; là thủy chung, không tham vàng bỏ ngãi. Truyền thống đó còn được lưu truyền trong nhân dân thông qua ca dao, đồng dao như: “Anh em cốt nhục đồng bào/ Vợ chồng là nghĩa lẽ nào chẳng thương; và “Vợ chồng là nghĩa phu thê/ Tay ấp má kề, sinh tử có nhau; hoặc “Đói no một vợ một chồng/ Chia niêu sẻ đấu đau lòng nát gan”…
Tuy nhiên, sau hàng nghìn năm Bắc thuộc, dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã được truyền bá và ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội và mối quan hệ vợ chồng, cha con. Nho giáo cho rằng: “Phụ nhân nan hóa” (tạm dịch: Đàn bà khó dạy); coi con trai hơn con gái: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai được coi là có, mười con gái cũng coi là không có). Rồi tư tưởng “Tam tòng”: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tư tưởng đó là sợi giây vô hình đã trói buộc thân phận người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào người cha khi còn ở nhà (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy). Lúc đi lấy chồng phải phụ thuộc vào người chồng; khi người chồng chết phải phụ thuộc người con trai trưởng. Mặt khác, một số dân tộc ở Á Đông, trong đó có Việt Nam, người con thường theo họ bố; lúc tuổi già bố mẹ phải ở với gia đình con trai dẫn đến một hệ lụy là các gia đình phải có con trai để cậy nhờ lúc tuổi già, và để có người “nối dõi tông đường” cũng làm cho tư tưởng trọng nam khinh nữ trầm trọng thêm.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới đã khẳng định: Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện1. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định nguyên tắc, biện pháp bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình phải có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con. Đặc biệt, năm 2022, Quốc hội khóa XV ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Luật số 13/2022/QH15), quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật cũng quy định 16 hành vi bạo lực gia đình cần được đấu tranh ngăn chặn.
Những năm vừa qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, trong đó mọi thành viên đều tôn trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau tạo điều kiện phát triển toàn diện và trở thành những công dân tốt. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình dưới mọi hình thức vẫn còn xảy ra, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và các bé gái. Có nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, trong đó có nguyên nhân: “Tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam khinh nữ còn khá phổ biến trong một bộ phận nhân dân, kể cả cán bộ, đảng viên2”.
Để góp phần tích cực vào việc phòng, chống có hiệu quả tệ nạn bạo lực gia đình, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới; về hôn nhân và gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền về truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam gắn với tuyên truyền các Công ước quốc tế về quyền con người mà trọng tâm là Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào hương ước, quy ước thôn làng, đồng thời nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện.
Các đoàn thể phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực đấu tranh chống các hành vi bạo lực gia đình. Xây dựng gia đình văn hóa. Gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Vận động chị em phụ nữ bị bạo hành dựa vào pháp luật và tổ chức hội, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ mình, chống tư tưởng trông chờ, cam chịu như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10/10/1959: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh3”.
Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cùng với tổ chức các hoạt động tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, đồng thời gắn với tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam thật sự văn minh, hạnh phúc.
Nguyễn Văn Hán
(Cựu chiến binh thành phố Thái Bình)
1. Điều 9, Hiến pháp năm 1946.
2. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.301.